Giảm 70 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương sau quy hoạch

Thứ Năm, 23/12/2021, 08:00

Sau quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 có 195 cơ quan báo thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%).

Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Sau quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 có 195 cơ quan báo thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%).

Theo Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó có 230 báo, tạp chí thực hiện 2 loại hình (báo 116, tạp chí 114), 557 báo, tạp chí in, 29 báo, tạp chí điện tử. Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã tích cực chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình.

Chủ động quản lý thông tin, từng bước làm trong sạch không gian mạng với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, duy trì ngưỡng tỷ lệ thông tin an toàn, góp phần đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội và sự ổn định cho cuộc sống của người dân; phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo ban hành các kế hoạch truyền thông tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền, đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

Cơ quan báo chí đã giảm đáng kể các bài viết tiêu cực, giật tít gây hoang mang, lo lắng. So với bắt đầu đợt dịch thứ 4, tỷ lệ tin, bài tiêu cực đã giảm từ 15% xuống còn dưới 10% và hiện duy trì ở mức 7%. Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến ngày 17/11, báo, tạp chí điện tử đã đăng tải tổng số 1.232.662 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVD-19. Trong giai đoạn từ ngày 1/9 đến ngày 17/11, đã có tổng số 447.786 tin, bài trên báo, tạp chí điện tử.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, doanh thu hoạt động báo chí năm 2021 giảm 4% so với năm 2020, trong đó doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 so với năm 2020 giảm 10%. Bộ TT&TT đã đặt hàng 80 cơ quan báo chí tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ với số tiền là 45 tỷ đồng. Để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đề xuất sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho các cơ quan báo chí.

Bộ TT&TT đã tích cực thực hiện cấp đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025, trong đó đã cấp đổi 10.336 thẻ cho các báo, tạp chí in và điện tử, thu hồi 2 thẻ nhà báo do có sai phạm nghiêm trọng. Trong năm 2021, tiếp nhận và xử lý tổng số 305 đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo. Triển khai thanh tra, kiểm tra, phối hợp kiểm tra 5 cơ quan báo chí về việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 cơ quan báo chí với tổng số tiền 338,2 triệu đồng.

Bộ TT&TT cũng đã xây dựng bộ công cụ đánh giá tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí nhằm phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật; tập trung đôn đốc, hướng dẫn xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện gồm Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân). Xây dựng bộ công cụ đánh giá tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nhằm phát hiện sai phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; triển khai dự án “Hệ thống lưu chiểu và phân tích dữ liệu báo chí, truyền thông quốc gia”.

Huyền Thanh
.
.
.