Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới
Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Chiều 17/4, tại Phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Động lực thúc đẩy phát triển khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết: Theo quy hoạch, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014km. Cả nước hiện đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường cao tốc, đang xây dựng 1.600km. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Với tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành, thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. "Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có nghị quyết định hướng đầu tư cao tốc này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài khoảng 128,8km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 25.540 tỷ đồng, gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp. Với số vốn Nhà nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư. Một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm rõ hơn sự cần thiết, cấp thiết của dự án.
Phương án tài chính, thu hồi vốn khoảng 18 năm
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án hết sức quan trọng. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn trình sớm hơn nhưng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các yếu tố nên đến nay mới xem xét trình Quốc hội. Công tác chuẩn bị đến nay cơ bản đảm bảo. Đề nghị ủng hộ bổ sung dự án này vào chương trình kỳ họp thứ 7.
Cho ý kiến về dự án, các ủy viên Thường vụ Quốc hội đánh giá cao vai trò của dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Quốc hội Hầu A Lềnh khẳng định, tuyến cao tốc này là ước mơ bao đời của người dân Tây Nguyên khi kết nối vùng Tây Nguyên tới Đông Nam Bộ.
Đại diện hai địa phương có tuyến cao tốc đi qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Đây là dự án quan trọng góp phần phát triển của hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Hai tỉnh đã chủ động trong việc chuẩn bị cho dự án từ sớm, đã có kế hoạch, phương án để giải phóng mặt bằng thuận lợi khi dự án triển khai.
Giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, về tiến độ giải ngân và khả năng giải ngân, đây là dự án có nguồn vốn rất lớn, chiều dài cũng rất lớn nên để thực hiện theo lộ trình cũng là vấn đề, khi năm 2024 phấn đấu giải phóng mặt bằng và triển khai năm 2025, hoàn thành trong 2026. Hiện nay có hai yếu tố sẽ tác động mạnh mẽ đến tiến độ dự án là công tác giải phóng mặt bằng và hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng. Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT trong quá trình triển khai các dự án đã có nhiều kinh nghiệm. Bộ GTVT đề nghị sau khi Quốc hội thông qua chủ trương thì các địa phương khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị kỹ các điều kiện, tránh tác động khi thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, hiện nay phương án tài chính, thu hồi vốn khoảng 18 năm, đây là khoảng mốc thời gian mà các nhà đầu tư rất quan tâm vì từ trước đến nay các dự án BOT chủ yếu trên 20 năm.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 7; đồng thời đề nghị Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ và phân tích rõ hơn một số vấn đề được cơ quan thẩm tra cũng như ý kiến tại phiên họp nêu ra.