Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân

Thứ Bảy, 13/08/2022, 08:15

Chiều 12/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cùng dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

1-1.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN.

Đây là một trong những dự án luật hết sức quan trọng, tác động không chỉ đến ngành Y tế, đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn có tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.

Đây cũng là một trong những dự án luật khó, sau tác động rất nặng nề của dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều vấn đề về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các vấn đề liên quan đến tài chính y tế...

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, sau Kỳ họp thứ ba, với ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và với kết quả nhiều cuộc tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia do Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội thực hiện, chất lượng dự án luật đã được nâng lên.

Tuy nhiên, dự án luật cũng còn các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm.

Đó là vấn đề cấp giấy phép hành nghề, các chức danh nghề nghiệp trong ngành Y; cách thức tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; việc sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám bệnh và chữa bệnh, làm sao để nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh đối với các chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài hành nghề y tại Việt Nam, nhưng mặt khác phải bảo đảm hội nhập quốc tế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh và chữa bệnh…

Ngoài ra, qua dư luận xã hội, qua ý kiến của cử tri, nhân dân cũng như cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế, những cơ sở khám, chữa bệnh, lãnh đạo của cơ sở khám, chữa bệnh và sau khi rà soát thì thấy còn nổi lên vấn đề về tài chính y tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu sau khi sửa luật mà chưa luật hóa được cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế thì việc triển khai hoạt động của các cơ sở y tế vẫn tiếp tục gặp khó.

Hiện nay chưa có luật điều chỉnh đơn vị sự nghiệp. Đơn vị sự nghiệp mới chỉ được quy định trong các luật có liên quan. Cơ chế tài chính nói chung của các đơn vị sự nghiệp trước đây được quy định trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay được quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này được áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực.

“Mục tiêu chính của tọa đàm hôm nay là muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia xem chúng ta có nên luật hóa quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù là cơ sở khám, chữa bệnh, để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, giúp cán bộ quản lý cơ sở y tế yên tâm làm chuyên môn? Nếu luật hóa thì thể hiện như thế nào, có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân hay không?”. Đề cập những vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đồng thời chỉ ra nhiều nội dung rất căn cơ khác nhưng còn “vắng bóng trong dự án luật”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề mới, mà đã có nghị định quy định rồi, thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra những vấn đề đó. Vấn đề là nên chăng chắt lọc để đưa các quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP vào dự án luật này để áp dụng cho lĩnh vực y tế, trên cơ sở đó sẽ tổng kết và nhân rộng ra các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ những vướng mắc hiện nay trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả Nhà nước và tư nhân, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ vướng mắc này; hành lang pháp lý cho việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế hiện nay.

Văn Chúc
.
.
.