Giải ngân vốn đầu tư phát triển: Cân nhắc hai phương án đến hết 2024 hoặc 2025

Thứ Năm, 12/10/2023, 17:12

Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển đến hết năm 2025 vì hiện mới giải ngân được 19,3% kế hoạch, trong khi nhiều dự án quy mô lớn, có tính liên vùng, mới thi công... Tuy nhiên, để thúc đẩy việc giải ngân và thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu phương án kéo dài đến hết năm 2024 và kỳ họp cuối năm sẽ cho ý kiến tiếp.

Chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến hết tháng 8/2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Nên chăng kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển hết năm 2024? -0
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày báo cáo.

Trong đó, tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 60.243 tỷ đồng, bằng 94,1% dự kiến khi xây dựng Chương trình. Đã gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2022 là 110.919 tỷ đồng, thông qua đó hỗ trợ chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, trong năm 2022 ước khoảng 38.057 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực. Điển hình, các chính sách miễn, giảm thuế, phí, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính phủ kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin, đến 31/8/2023 vốn đầu tư phát triển của Chương trình mới chỉ giải ngân đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Trong khi một số dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án cao tốc (như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...) quy mô lớn, có tính liên vùng, mới được triển khai thi công nên cần thêm thời gian để giải ngân, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư.

Nên chăng kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển hết năm 2024? -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

"Do đó, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến để Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất kể trên, Quốc hội đã quy định thời hạn thực hiện các chính sách của Chương trình đến hết 31/12/2023. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên theo đúng quy định, khi kết thúc thời gian giải ngân của chương trình thì hủy dự toán, kế hoạch vốn theo đúng quy định.

Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình, đa số ý kiến trong thường trực UBKT đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội. "Có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 43, chỉ cho giải ngân đến hết năm 2023, sau năm 2023 đề nghị cắt giảm vốn, kết thúc chương trình, đối với các dự án cần triển khai thì bố trí nguồn vốn khác", Chủ nhiệm UBKT nêu.

Một số chính sách giải ngân quá chậm

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, vốn đầu tư phát triển đã góp phần khơi thông nguồn vốn Chương trình, trong khi nếu không cho phép kéo dài thì một số dự án thời gian dài sẽ thiếu vốn, hiệu quả đầu tư suy giảm, do đó đề nghị UBTVQH cho phép được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân.

Nên chăng kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển hết năm 2024? -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh thảo luận tại phiên họp.

Ông dẫn khoản 8, Điều 6 của Nghị quyết số 43, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp được trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để áp dụng đối với chi phí tài sản cố định và chi phí lao động; phương án tăng thuế đối với các giao dịch chứng khoán, bất động sản để báo cáo UBTVQH xem xét quyết định. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này, qua theo dõi trên thực tế cũng chưa triển khai thực hiện; đề nghị Chính phủ lưu ý triển khai.

Nhận định Nghị quyết số 43 của Quốc hội ra đời vào thời gian ấy rất cần thiết với nội dung chính xác, hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu cảm nhận chung là một số chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân quá chậm, việc ban hành các quy định tương đối khó khăn.

"Đối với học sinh, sinh viên, tác động lớn nhất là hỗ trợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi thấy giải ngân tương đối tốt; song chương trình "Sóng và máy tính cho em" tỷ lệ giải ngân thấp, dịch bệnh kết thúc rồi mà tình trạng lõm sóng thì chưa được khắc phục", ông ví dụ.

Nên chăng kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển hết năm 2024? -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Nghị quyết số 43 đã giúp bổ sung một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế hồi phục nhanh sau khi kiểm soát được đại dịch; đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đánh giá thêm tác động, ý nghĩa của việc này.

Đối với một số vốn mà đến cuối năm 2023 không giải ngân hết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và UBKT tính toán, nếu kéo dài thêm 1 năm thì các chính sách tín dụng khác sẽ triển khai thêm được bao nhiêu? Như chính sách cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, vốn vay cho học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay cá nhân mua nhà, thuê mua nhà xã hội, cho xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi...

Về kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để vừa thúc đẩy việc giải ngân thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội thì nên chăng tính thêm phương án cho kéo dài đến hết năm 2024 và tại kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ cho ý kiến tiếp.

Quỳnh Vinh
.
.
.