Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục điệp khúc “chậm”

Thứ Sáu, 09/12/2022, 08:14

Báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng và ước thực hiện 11 tháng kế hoạch năm 2022 của Bộ Tài chính cho thấy tỷ lệ giải ngân của cả nước vẫn đang đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao.

Vẫn còn 27/52 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 12 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Riêng với giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài là 34.586 tỷ đồng cho 13 bộ và 59 địa phương. Trong 11 tháng đầu năm, qua công tác tổng hợp tình hình giải ngân cho thấy tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 9.015 tỷ đồng, đạt khoảng 26% dự toán được giao.

Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, những tháng cuối năm, việc thực hiện các dự án còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, nhiều địa phương đang triển khai thực hiện lập quy hoạch, do đó nhiều địa bàn thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với khu đất được giới thiệu, chấp thuận địa điểm của dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án (Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân Tối cao…).

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục điệp khúc “chậm” -0
Nhiều bộ ngành, địa phương xin trả vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Khó khăn khác đó là một số dự án khởi công mới thực hiện đấu thầu vào quý III/2022 với các gói thầu có giá trị lớn; một số dự án có thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án của các cơ quan quản lý nhà nước bị kéo dài do một số hạng mục công việc không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định; một số dự án đặc thù cung cấp thiết bị khoa học là thiết bị cần được đặt hàng, chế tạo tại nước ngoài nên thời điểm bàn giao thiết bị tập trung vào cuối năm… do vậy, khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án dồn vào thời điểm cuối năm.

Thực tế tại một số bộ, ngành cũng cho thấy một số dự án đầu tư thực hiện ở nước ngoài đến nay chưa giải ngân do hợp đồng xây dựng không áp dụng tạm ứng hợp đồng mà theo phương pháp thanh toán theo đợt, dự kiến sẽ giải ngân tại thời điểm cuối năm; dự án tại nước ngoài bị chậm do quy định về đấu thầu của Việt Nam và nước ngoài có nhiều điểm khác biệt nên đơn vị tư vấn nước ngoài cần nhiều thời gian để cung cấp hồ sơ theo đúng quy định, nội dung khảo sát, thẩm tra hồ sơ yêu cầu; tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tuy nhiên nhà thầu còn công nợ đã thay đổi về tổ chức nên việc hoàn thiện hồ sơ thanh toán gặp khó khăn; một số dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn để bàn giao đưa vào sử dụng, kiểm toán, nên phải chờ sau khi quyết toán mới thực hiện thanh toán vốn sau khi quyết toán dự án.

Do vướng mắc trong quá trình giải ngân, có 8 bộ, ngành và 33 địa phương xin trả lại vốn. Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết về việc trả lại kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, các chủ dự án chắc chắn đã rà soát tiến độ khả năng giải ngân để báo cáo cơ quan chủ quản đề xuất với cấp có thẩm quyền trả lại số vốn không có khả năng giải ngân trong năm. Nguyên nhân một số dự án không thể giải ngân phải đề xuất trả lai kế hoạch vốn là chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, dừng triển khai, chưa hoàn tất các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, ảnh hưởng của thiên tai...

“Đến nay, chúng tôi đã tổng hợp, có khoảng gần 12.626 tỷ đồng (36,5% kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương) được các bộ, ngành, địa phương có  văn bản chính thức đề xuất trả lại kế hoạch vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét theo quy định. Đối với số vốn không thể giải ngân đề nghị trả kế hoạch vốn này, các bộ, ngành, địa phương căn cứ tiến độ thực hiện dự án đã điều chỉnh để bố trí vào kế hoạch vốn của năm tiếp theo đối với các Hiệp định vay vẫn còn thời hạn giải ngân. Đối với các hiệp định hết thời hạn giải ngân, không được gia hạn thời hạn giải ngân trong năm tiếp theo thì số vốn vay nước ngoài không thể sử dụng sẽ được cơ quan chủ quản báo cáo cấp có thẩm quyền và gửi nhà tài trợ huỷ vốn vay này và bố trí nguồn vốn khác để hoàn thành dự án”, ông Hiển nói.

“Mới đây, Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân của 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 10/2022, 5 địa phương này mới giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch địa phương triển khai. Đáng chú ý, cả 5 địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp so với yêu cầu, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 và vốn đầu tư cho gói kích cầu sẽ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung trong năm 2022”.

Hà An
.
.
.