"Giá dịch vụ khám chữa bệnh mù mờ thì tự mình làm khó mình thôi"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: "Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh chảy máu ngoại tệ. Hàng năm, người Việt chi bao nhiêu USD đi sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh mà cơ sở Nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu".
Sáng 14/12, tiếp tục Phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) nêu rõ: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 123 điều, tăng 3 chương (Chương VI, VII, XI) và 32 điều so với Luật hiện hành, trong đó, quy định 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành hơn 1 giờ để góp ý về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó vấn đề Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu, người dân quan tâm đó là giá của dịch vụ khám chữa bệnh.
“Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm "các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh" thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì?. Phải xem lại chỗ này, mù mờ thì tự mình làm khó mình thôi” – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn và cho biết, cho đến nay mới tính được vào giá thành mục a, b thôi, còn chi phí khấu hao và chi phí quản lý thì có lộ trình để tính đúng, tính đủ, nhưng tình hình khó khăn nên chưa làm được, mệnh giá bảo hiểm y tế chưa nâng lên được.
"Giờ có thêm chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì?. Bộ Tài chính "bậc thầy" về giá thì phải xem chỗ này. Mù mờ thì càng khó cho mình thôi, tự mình làm khó mình thôi. Mai mốt các cơ quan hỏi, đoàn giám sát của Quốc hội hỏi chi phí khác không thấy tính là chết rồi" - Chủ tịch Quốc hội lo ngại.
Theo dự thảo thì Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Nói về quy định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, "Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh chảy máu ngoại tệ. Hàng năm, người Việt chi bao nhiêu USD đi sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh, mà cơ sở Nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu. Tốt người ta đến, không tốt người ta không đến. Bác tốt hơn, mà điều kiện tương đương thì em ở đây em chả đi nước ngoài nữa. Đúng không? Nó phải thị trường. Mình đặt cái trần vào đó thì ai người ta làm được" – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích.
Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nêu vấn đề khi mà khoản 6 điều 110 quy định trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ và không vượt quá giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
"Đây là quan điểm lớn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước lo cho người nghèo thôi, thu nhập thấp thôi. Người có khả năng chi trả thì thị trường người ta quyết định, không can thiệp. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người ta vào không thì thôi. Chúng ta đang hình thành trung tâm khám chữa bệnh cao cấp mà. Bác sĩ mình giỏi chả kém nước ngoài đâu, do điều kiện của mình thôi"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: Quy định giá dịch vụ gồm những gì, hai là tính đúng, tính đủ thì thế nào, ba là Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Nêu rõ yêu cầu phải thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội giải thích sở dĩ hiện tại chưa đưa chi phí khấu hao, chi phí quản lý vào được là mệnh giá bảo hiểm y tế quá thấp. "Tôi nói đi nói lại nhiều lần rồi. Mệnh giá bảo hiểm y tế của ta giờ khoảng 40-50 USD thôi, trong khi danh mục thì rất nhiều. Thái Lan thì ít nhất là 120 USD, danh mục thì ít" – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ so sánh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích rõ, việc nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên thì liên quan đến khả năng chi trả của người dân và liên quan đến khả năng chi trả của Nhà nước vì một tỷ lệ rất lớn bảo hiểm y tế là Nhà nước hỗ trợ. "Cho nên, phải có lộ trình. Nhưng nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ, và lộ trình này nên quy định trong luật vì đã quy định thì phải thực hiện. Và muốn thực hiện thì phải có tài chính đi kèm, tức là phải bố trí để tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên, tức là tính toán khả năng chi trả của người dân theo khả năng phát triển của nền kinh tế " - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bảo vệ người dân khi vào cơ sở khám chữa bệnh
Phát biểu về vấn đề bảo đảm an toàn cho cơ sở khám chữa bệnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho người dân khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh. “Điều 114 quy định bảo đảm ANTT cho cơ sở khám chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề, người khác tại cơ sở khám chữa bệnh. Tôi cho rằng, đảm bảo an toàn không chỉ người hành nghề, người làm việc ở cơ sở khám chữa bệnh mà phải đảm bảo cho người dân đến đó. Ví dụ như có 2 băng nhóm đánh nhau ở ngoài, khi vào viện lại tiếp tục đánh nhau thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị, chăm sóc người bệnh trong bệnh viện cũng bị nguy hiểm. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nội dung bảo đảm an toàn cho người dân trong cơ sở khám chữa bệnh” – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ đối tượng thực hiện công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở khám chữa bệnh. Do đó đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh cần phải có lực lượng bảo vệ chuyên trách để thực hiện những biện pháp đó. Đồng thời phải quy định trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn.