Đưa việc "có lên có xuống, có vào, có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ
"Cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức, để việc "có lên có xuống, có vào có ra", dần trở thành văn hóa trong Đảng và việc làm bình thường trong công tác cán bộ" - Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh.
Sáng 9/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 - QĐ/TW của Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 35/CT-TW của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 15.644 điểm cầu các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các điểm cầu cấp xã, với hơn 1,28 triệu đảng viên.
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp. Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an có các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương; Bí thư, Phó Bí thư các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các Cục nghiệp vụ; Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Công an Trung ương; các đồng chí trong Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng…
Đưa "có lên có xuống" thành việc bình thường trong công tác cán bộ
Quán triệt Quy định 144, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Quy định số 144-QĐ/TW là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, văn minh”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập như công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực.
"Cá biệt, có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí, có cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý" – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu; đồng thời nhấn mạnh các nguyên nhân dẫn đến các bất cập trên; bên cạnh việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ khóa XI đến XIII, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quyết liệt thể hiện tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Minh chứng rõ nét là các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan hành vi sai trái diễn ra từ những năm trước và cả sai phạm mới phát sinh, có nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã bị khởi tố. Điểm mới là từ khởi tố ban đầu về hành vi phạm tội kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng. Việc này đã tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua điều tra dư luận xã hội do Ban thực hiện, có trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, phụ trách; tinh thần phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đưa việc "có lên có xuống, có vào, có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ. Việc này, vừa thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh và tinh thần này được thể hiện từ Trung ương xuống địa phương
Cần có cơ chế sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” người thật sự có đức, có tài
Tiếp đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nêu rõ, Chỉ thị số 35 là văn bản hết sức quan trọng, định hướng rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Bộ Chính trị đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó: Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng; nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển; công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao, thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”; cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài...
Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy
Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, đồng chí Lương Cường yêu cầu triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW nghiêm túc, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, hệ thống chính trị, tăng sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân.
Trong đó, đối với Quy định số 144-QĐ/TW, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần luôn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quy định, nắm chắc, hiểu sâu quy định; chú trọng vai trò, trách nhiệm của chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong quá trình quán triệt, tổ chức thực hiện quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, để nhân dân nhận thức rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh, toàn diện; tích cực tham gia giám sát việc cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng; đấu tranh loại bỏ các quan điểm, hành vi trái đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản.
Thường trực Ban Bí thư khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, với việc cụ thể hóa thành 5 điều, 19 nội dung để Đảng thực sự đạo đức, văn minh. Việc ban hành Quy định số 144 mới là thành công bước đầu, điều cốt lõi nhất là mọi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc quy định và tự giác thực hành các chuẩn mực đạo đức; phải làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật của người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu từng chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cần đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...
Đối với Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đồng chí Lương Cường yêu cầu cần tổ chức tốt việc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn có liên quan của Trung ương và của cấp ủy cấp trên trực tiếp, bảo đảm để đảng viên trong toàn Đảng nắm vững, hiểu rõ, thực hiện đúng và đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; lãnh đạo chuẩn bị tốt các dự thảo văn kiện trình đại hội; đồng thời, tổ chức tốt việc thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của cấp mình và cấp trên. Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị về chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là lựa chọn, giới thiệu, bầu cử được cấp ủy khóa mới bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hài hòa, hợp lý, có sự kế thừa và phát triển.
Cho biết, tới đây sẽ có hướng dẫn đầy đủ về lựa chọn nhân sự, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất là làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, nhưng phải lựa chọn đúng người trên cơ sở đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng, những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu hạ thấp tiêu chuẩn.
"Cái này rất quan trọng, khắc phục những cái sai, cái yếu vừa qua khi tất cả đều đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng chọn người không đúng. Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy, đặc biệt là không được để lọt vào giữ các cương vị chủ chốt ở các cấp" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, cần chú ý kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức chính sách trong công tác nhân sự, nhất là việc bố trí công tác và thực hiện chính sách với cán bộ không đủ tuổi tái cử, đảm bảo thống nhất, đoàn kết cao trong nội bộ; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết luật, giải quyết những tồn đọng, bức xúc trong dư luận cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền. Đặc biệt, liên quan nhân sự trước đại hội phải xem xét, kết luận giải quyết sớm, cơ bản năm nay giải quyết xong vấn đề này.
Đi kèm với đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của Đảng; đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phòng chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch…