Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến khai thác, sử dụng đất đai

Thứ Sáu, 24/11/2023, 08:42

Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu thiết yếu đặt ra trong quá trình phát triển đô thị của Thủ đô.

Qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt ở lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội… Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những đổi mới góp phần thu hút đầu tư.

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của các đô thị vệ tinh cũng như toàn vùng đô thị. Việc phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành. Quản lý tốt nguồn lực này là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, đặc biệt là các đô thị vệ tinh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến khai thác, sử dụng đất đai -0
Việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại tại Thủ đô hiện chưa đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, yêu cầu đặt ra là cần quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất đai nhằm đạt hiệu quả sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Theo PGS.TS Lê Đức Tình, Trưởng khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho TP được chủ động ban hành thêm một số biện pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà ở, chính sách phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn nội đô lịch sử và phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Tình, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là phải có một công cụ về quản lý thuế đất đai và tài sản đầu tư trên đất, để tạo nguồn lực cho quá trình đô thị hóa, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển của Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai.

Ông Tình cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, TP Hà Nội cần quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân. PGS.TS Lê Đức Tình đề xuất phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội. Cùng với đó, cho phép Thủ đô được thành lập mới doanh nghiệp do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô.

Cần bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại Thủ đô

Hiện nay, Hà Nội đang gặp thách thức rất lớn về nhà ở, đặc biệt là việc cải tạo chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhiều dự án phát triển nhà ở bị ách tắc nhiều năm nay, chưa thể triển khai. Theo PGS.TS Lê Đức Tình, Hà Nội cần tập trung giải quyết một số vấn đề, trong đó quan trọng là thúc đẩy các dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc lâu nay và dành quỹ đất, cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Cần quyết liệt đẩy mạnh triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, TP cần có phương án bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà đầu tư có lời - người dân có lợi - TP đúng chủ trương quy hoạch.

Ông Tình đề xuất, đối với các dự án thu hồi đất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình trên cơ sở vận dụng linh hoạt chính sách đã có, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. Với các dự án đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, cần công khai, minh bạch để người dân biết. Có chính sách bồi thường giá đất phù hợp, tạo được sự đồng thuận của người dân để tránh phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, TP cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin bất động sản đồng bộ, thống nhất, có sự liên thông đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai, tra cứu thông tin.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ quan điểm, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai. Theo ông Tuyến, Luật Thủ đô hiện nay vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai lập chương trình phát triển đô thị còn chậm; còn thiếu giải pháp huy động nguồn lực trong cải tạo, chỉnh trang tại các khu vực đô thị cũ (về hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, nhà ở…); việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại tại Thủ đô không đạt mục tiêu đề ra...

Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô. Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cũng góp ý, hiện nay, việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại tại Thủ đô còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, không đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó là công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện đầy đủ, hoàn thành theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của trung ương trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, cần chú trọng vấn đề bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại Thủ đô.

Ngọc Yến
.
.
.