Dự án Vành đai 4: Chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, minh bạch nhất để làm
TP Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nêu 5 kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm sớm tháo gỡ các vướng mắc đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Ngày 4/1, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình triển khai dự án trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng và đoàn đã kiểm tra hiện trường tại vị trí đường Vành đai 4 giao cắt với quốc lộ 38 (Km88+100), địa phận xã Hoàng Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 và đường Lê Văn Lương, địa phận thôn Khúc Lộng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Theo báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án do Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường trình bày, đến nay, 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06/1.390,63ha, đạt 93,92%, di chuyển được 11.540/15.556 ngôi mộ, đạt 74,18%. Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất, đạt 86,42%. Hà Nội cũng đã khởi công và tổ chức xây dựng 12/13 khu tái định cư.
Tỉnh Hưng Yên đã thu hồi đất được 195,6/230,2ha, đạt 85%, di chuyển được 2.587/3.743 ngôi mộ, đạt 69%. Tỉnh đã tổ chức thi công xây dựng 5/11 khu tái định cư và 2/7 khu cải tạo mở rộng nghĩa trang. Tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi đất được 346,46/369,08 ha, đạt 93,87%, di chuyển được 1.071/1.731 ngôi mộ, đạt 61,87%. Tỉnh đã tổ chức thi công xây dựng 2/12 khu tái định cư, các khu còn lại dự kiến triển khai xây dựng trong quý II.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 địa phương, đại diện các bộ, ngành, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm về tình hình kết quả thực hiện các dự án thành phần, nêu khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành và Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn lớn nhất của tỉnh trong giải phóng mặt bằng hiện nay là cơ chế tái định cư cho doanh nghiệp và việc di dời công trình hạ tầng điện.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sau 16 tháng triển khai, với sự quyết liệt của 3 địa phương, sự hỗ trợ các bộ, ngành trung ương, dự án đường Vành đai 4 đã tiến được một bước dài, những vướng mắc, khó khăn lớn đã được tháo gỡ; hình hài, những nét cơ bản của dự án đã hình thành. Ban Chỉ đạo hoạt động rất hiệu quả, cơ chế phối hợp nhịp nhàng; Hà Nội có tinh thần tiến công rất cao để hai tỉnh làm theo.
Báo cáo của Ban chỉ đạo nêu 5 kiến nghị với các bộ, ngành trung ương như: Kiến nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản thẩm định đối với hồ sơ thiết kế thi công di dời hệ thống điện 110kV, 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xong trước ngày 10/1; Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ, khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở để các địa phương công bố giá vật liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán cho nhà thầu.
Ban chỉ đạo cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thống nhất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng nội dung của Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đến hết ngày 16/6; kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ UBND TP Hà Nội trong công tác thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án thành phần 3 (dự án PPP); Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, qua kiểm tra ở hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và kết quả kiểm tra trên địa bàn Hà Nội vừa qua, nhìn chung tình hình tiến độ triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 đến thời điểm này rất khả quan. Cùng sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, trong quá trình triển khai dự án, các địa phương thực hiện rất bài bản, phối hợp chặt chẽ, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án vành đai trước đây (Vành đai 1, Vành đai 2,5P) cho thấy, các dự án vành đai làm sớm được ngày nào tiết kiệm ngày ấy, đã làm phải làm đồng bộ mới hợp lòng dân.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, trước mắt các địa phương tập trung phấn đấu di dời xong các mộ trước ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão; di dời xong các công trình hạ tầng trước 30/6/2024. Đối với di dời đất ở, nếu không xong kịp các khu tái định cư, có thể vận dụng phương án tạm cư. Đối với vật liệu, khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp phục vụ dự án ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên như trả lời của đại diện các bộ, có thể thay thế bằng cát đắp. Còn với cát đắp, Hà Nội đã chỉ đạo rà soát bổ sung các mỏ phía đông sát hai tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ; vấn đề phải thực hiện đúng cơ chế, chính sách, đúng quy định.
“Tinh thần là làm sao phải chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, minh bạch nhất để làm”, Trưởng ban Chỉ đạo dự án lưu ý. Đối với những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ, Quốc hội để sớm trả lời, tháo gỡ cho dự án.
Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá cao cách làm của huyện Mê Linh (Hà Nội) khi vận động được người dân cho mượn đất làm đường công vụ phục vụ thi công dự án; đồng thời đề nghị các địa phương khác ở Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên vận dụng để giúp nhà thầu thi công tăng thêm đường công vụ, mũi thi công đẩy nhanh tiến độ dự án.