Định giá trần sách giáo khoa để không tác động tiêu cực đến người dân
Với 92,91% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Dự án luật gồm 8 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 về Hội đồng thẩm định giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Sữa cho người cao tuổi và thịt lợn không thuộc mặt hàng bình ổn giá
Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, một số ý kiến đề nghị đưa mặt hàng "sữa dành cho người cao tuổi" và "thịt lợn" vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, điều này thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, trong đó có đối tượng yếu thế là người già, trẻ em, phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, "sữa dành cho người cao tuổi" có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động thì không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em; trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 dự thảo luật.
Đối với "thịt lợn" là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây. Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá; đồng thời thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.
"Do vậy, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định các mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá" - Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh cho hay.
Về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ là Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá. UBTVQH nhất trí với điều này bởi trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành.
"Khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội", Chủ nhiệm UBTCNS nhấn mạnh.
Chiết khấu cao khiến giá sách giáo khoa bị đẩy lên cao so với thu nhập của người dân
Đối với ý kiến đề nghị quy định khung giá sách giáo khoa (quy định cả giá sàn), UBTVQH lý giải: Theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa (SGK) không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa 14 đến nay, nhiều ĐBQH đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo quy định giá trần vì SGK là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Hiện nay, trong phương pháp tính giá SGK, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người dân.
Tuy nhiên, UBTVQH không quy định giá sàn vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Thứ hai, hiện nay, Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn cho nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với SGK.
Đồng thời, SGK là mặt hàng đa dạng về chủng loại, lại tiêu dùng trên phạm vi cả nước, việc tính toán mức giá sàn phù hợp với từng cho từng loại sách và phải phù hợp với mọi khu vực khác nhau là khó khả thi. Trên thực tế điều hành, tùy tình hình kinh tế - xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp.
"Như vậy, để ổn định thị trường đối với giá SGK, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, UBTVQH xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng SGK tại dự thảo luật", Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh thông tin.