Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số

Thứ Tư, 27/12/2023, 17:56

Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2023, mặc dù kinh tế khó khăn, song Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi NSNN.

Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, có rất nhiều chính sách lớn, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023. Có chính sách số tiền gia hạn lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp -0
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu.

Năm 2023, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi NSNN, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2023 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả tích cực Bộ Tài chính đã đạt được trong năm 2023.

Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp -0
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chủ động, linh hoạt, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công trong phạm vi Quốc hội quyết định 4% GDP…

Phó Thủ tướng đánh giá cao ngành Tài chính đã đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác công khai, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4-4,5%, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng lưu ý, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị thế và lực để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cùng các chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tiễn, triển khai ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Bộ tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Hà An - Ngô Khiêm
.
.
.