Diễn đàn hợp tác EU – Mekong lần đầu tổ chức tại Việt Nam

Thứ Tư, 16/03/2022, 18:28

Ngày 16/3 tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức hội thảo "Hợp tác EU - Mekong". Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, hội thảo ghi nhận nhiều đóng góp thiết thực của các nhà ngoại giao, học giả quốc tế về những thách thức và tiềm năng của tiểu vùng sông Mekong, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập mạnh mẽ của khu vực này trong tương lai. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, tiểu vùng Mekong đã thu hút sự quan tâm và trở thành ưu tiên trong chính sách của đối tác phát triển. Năm 2020, chương trình nghị sự của ASEAN đã ghi nhận tiểu vùng Mekong và các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác tại khu vực Đông Nam Á. Một tiểu vùng Mekong bền vững, kết nối sẽ góp phần tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của Phái đoàn EU tại Việt Nam và DAV, khẳng định rằng Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của các đối tác phát triển, trong đó EU là một đối tác năng lực và có tính xây dựng, đồng thời mong muốn có sự phối hợp, điều phối hiệu quả hơn giữa các cơ chế hợp tác.

Diễn đàn hợp tác EU – Mekong lần đầu tổ chức tại Việt Nam  -0
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Baoquocte.

Trong bài phát biểu quan trọng từ trụ sở EU tại Brussels, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu, nhấn mạnh, EU muốn tăng cường sự tham gia của mình tại tiểu vùng sông Mekong. Khối sẽ nỗ lực kết nối và thúc đẩy các khoản đầu tư xanh của nhà nước, tư nhân và hỗ trợ sự phát triển bền vững và công bằng cũng như phục hồi sau COVID-19 của khu vực.

Tại các phiên thảo luận, Đại sứ EU tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nêu bật các đóng góp tích cực của EU và các nước thành viên đối với sự phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong thời gian qua. Trên cơ sở đánh giá về các xu hướng lớn tại tiểu vùng Mekong, các đại biểu cho rằng sự phát triển bền vững tại tiểu vùng đang đứng trước các thách thức chung như tác động của biến đối khí hậu với lưu vực sông, nhất là lũ lụt và hạn hán, công tác quản lý an ninh nguồn nước chưa được bảo đảm và những tác động từ cạnh tranh địa chính trị giữa các quyền lực lớn. 

Các chuyên gia tại hội thảo kiến nghị, các nước Mekong cần điều chỉnh mô hình phát triển hướng tới sự phát triển bền vững, bao trùm hơn và tăng trưởng xanh. Đồng thời, các đối tác trong và ngoài khu vực cần hỗ trợ thực chất, hiệu quả nỗ lực của các nước tiểu vùng trong việc củng cố cơ chế quản trị nguồn nước hiệu quả hơn tại tiểu vùng, bao gồm Ủy hội sông Mekong (MRC). Các ý kiến nhận định EU cần có cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa EU, các nước thành viên đối với các tiểu vùng Mekong nói chung và từng nước Mekong nói riêng.

Diễn đàn hợp tác EU – Mekong lần đầu tổ chức tại Việt Nam  -0
Các đại biểu tham dự hội thảo "Hợp tác EU - Mekong". Ảnh: Baoquocte.

Được biết, tháng 9 năm 2021, EU đã công bố Chiến lược Hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nền tảng cho sự tham gia trong tương lai của khối với khu vực này. Theo các học giả, thế giới đang chuyển động xoay quanh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về cả địa kinh tế và địa chính trị. Đặc biệt, các quốc gia mà sông Mekong chảy qua tạo nên một tiểu vùng rất quan trọng, nơi có rất nhiều thách thức và cả cơ hội.

Trong nhiều năm qua, EU và các quốc gia thành viên nằm trong nhóm các đối tác chính của MRC. EU đánh giá MRC, với tư cách là tổ chức duy nhất trong khu vực hoạt động dựa trên nền tảng các hiệp ước, là một nhân tố thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập trong khu vực. Hiện EU đang hỗ trợ MRC qua một gói ngân sách trị giá 5 triệu euro, có hiệu lực đến cuối năm nay, với mục tiêu hướng đến sự quản lý bền vững và mang tính kết nối các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Hạ nguồn sông Mekong, qua đó đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Đồng thời, EU cũng là một nhà tài trợ chính cho các quốc gia trong khu vực, và vừa thông qua các chương trình hợp tác phát triển có thời hạn bảy năm với Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tiểu vùng sông Mekong cũng đạt được những lợi ích từ một số chương trình cấp khu vực do EU tài trợ, với trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội, tính kết nối, nước sạch và vệ sinh, di cư, đa dạng sinh học, quản lý rừng và chống buôn bán động vật hoang dã, phát triển nền nông nghiệp thích ứng khí hậu, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng dân tộc bản địa.

Linh Đan
.
.
.