Địa phương có giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn cho người hồi hương trong mưa bão
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con hồi hương trong điều kiện mưa bão.
Sáng 10/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp ứng phó mưa bão dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Người dân cân nhắc lùi thời điểm về quê để tránh rủi ro thiên tai
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trưa ngày 10/10, bão số 7 có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến chiều ngày 10/10, bão số 7 đổ bộ vào khu vực Thái Bình – Thanh Hóa với sức gió cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo, từ ngày 10-11/10, Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; Tây Bắc Bộ có mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm; từ ngày 10-12/10, Nghệ An – Quảng Bình có mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Về thiệt hại ban đầu, bão số 7 đã làm 1 người chết do bị lũ cuốn trôi tại tỉnh Quảng Nam. Tại tỉnh Thái Bình, ngày 9/10, 1 tàu/9 lao động bị chìm làm 1 người chết và đã cứu được 8 người còn lại.
Ông Hoài nhấn mạnh, hiện dòng người về quê tránh dịch bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đến dòng người đang hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7. Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.
"Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới 4 tỉnh là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bình Dương, nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới. Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp thông tin.
Về việc chủ động trong khâu ứng phó, ông Hiệp đề xuất, thiên tai thường có quy luật, giai đoạn này là cao điểm của mùa mưa bão. Chính vì vậy, cần điều các tàu cứu hộ vào các khu vực phù hợp, để khi có tình huống xấu điều động sẽ nhanh hơn.
Điạ phương nhanh chóng kêu gọi tàu, thuyền vào bờ
Về việc dòng người về quê đúng thời điểm có bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.
Một lưu ý nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp, đó là khâu dự báo phải thật sát, các bản tin dự báo chính xác sẽ là cơ sở cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tại và các địa phương đưa ra các kịch bản ứng phó sát thực tế hơn.
Bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8, bởi cơn bão này được dự báo mạnh hơn.
Phó Thủ tướng ghi nhận, từ Trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, chủ động ứng phó với bão số 7, nên tính đến thời điểm này thiệt hại do bão số 7 là không đáng kể.
Về vấn đề các tàu, thuyền cố tình ở lại trên biển cho đủ 15 ngày mới được nhận hỗ trợ tiền dầu, Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu vấn đề này, từ đó có đề xuất tháo gỡ.
Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, để từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn.
"Các địa phương cần nhanh chóng kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh, trú bão. Đặc biệt, đảm bảo an toàn, bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ cho người dân trong quá trình di chuyển tránh dịch COVID-19 khi có bão", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.