Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)
Với lối nói chuyện thân mật, ân tình, bằng ngữ điệu và tác phong bình dị, cởi mở, những câu chuyện, thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tại các buổi tiếp xúc cử tri thực sự lôi cuốn, khơi truyền cảm hứng. Nhiều khi thời gian đã hết, trời đã xế trưa, cử tri vẫn bịn rịn nán lại, vẫn muốn nghe thêm những câu chuyện thẩm thấu, thức tỉnh lòng người.
Để Đảng có sức mạnh vô địch, được nhân dân ủng hộ, cần hội tụ sức mạnh tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính”, hòa mình trong nhân dân, gắn bó máu thịt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong loạt bài viết này, chúng tôi truyền tải tới bạn đọc từ những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ ân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân và tình cảm, lòng tin của nhân dân với người đứng đầu Đảng ta.
Tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Với cử tri các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội), niềm tin và sự trông đợi sau mỗi kỳ họp Quốc hội còn mang ý nghĩa lớn hơn, cao hơn khi cử tri, nhân dân được trực tiếp dự, lắng nghe chia sẻ của đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với đó là những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đề đạt, gửi tới Tổng Bí thư.
Còn nhớ, sáng 23/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4 (58 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội. Chia sẻ cảm xúc với báo chí sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng, phấn khởi và xúc động được cùng nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước thực hiện quyền của công dân của mình tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Theo Tổng Bí thư, đây là cuộc bầu cử lần thứ 15 diễn ra khi đất nước ta trải qua 75 năm giành độc lập, 14 kỳ bầu cử Quốc hội, 35 năm đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016- 2021 và đang bước vào giai đoạn mới, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xã hội.
“Cũng như mọi đại biểu cử tri cả nước, tôi mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Nói cách khác, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội; phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc như Bác Hồ đã dạy” – Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó…
Và trong thực tế, chính những buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ và càng củng cố lòng tin, tình cảm sâu sắc của nhân dân với Tổng Bí thư, củng cố lòng tin son sắt đối với Đảng ta. Trong rất nhiều vấn đề đặt ra sau mỗi kỳ họp, những chia sẻ của người “cầm trịch” công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là điểm nhấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân.
Với lối nói chuyện thân mật, ân tình, bằng ngữ điệu và tác phong bình dị, cởi mở, những câu chuyện, thông điệp mà Tổng Bí thư chia sẻ tại các buổi tiếp xúc cử tri thực sự lôi cuốn, khơi truyền cảm hứng. Nhiều khi thời gian đã hết, trời đã xế trưa, cử tri vẫn bịn rịn nán lại, vẫn muốn nghe thêm những câu chuyện thẩm thấu, thức tỉnh lòng người. Tôi từng dự những buổi tiếp xúc cử tri như vậy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tôi hiểu, niềm tin khắc sâu trong mỗi cử tri không chỉ bởi những việc lớn lao, việc quốc gia, đất nước mà Tổng Bí thư với vai trò chèo lái; không chỉ bởi dũng khí và uy tầm của người “cầm trịch” công cuộc “nhóm củi, đốt lò” vốn vô cùng gian lao, thách thức mà còn bởi phong cách bình dị, gần gũi với những chia sẻ ân tình của người đứng đầu Đảng ta với bà con, với cử tri, đồng bào.
Chẳng phải bằng những bài viết được trau chuốt với ngôn từ khoa học mang nặng tính biểu mẫu mà chính những câu chuyện gần gũi, đời thường với lối diễn đạt ân tình, cởi mở đã khiến cuộc tiếp xúc cử tri tổ chức ngay tại khu phố luôn mang bầu không khí đầm ấm, cử tri đến để lắng nghe, để cảm nhận, để đề đạt với Tổng Bí thư. Chính sự cởi mở, ân tình đó mà cử tri cảm nhận gần gũi hơn, được chia sẻ hơn, từ đó tin tưởng và phát biểu, đề đạt ý kiến, kiến nghị một cách sát thực nhất với Đảng, với Quốc hội. Sự cởi mở ấy khơi dậy niềm tin, khơi dậy cảm xúc và tình cảm, xoá đi những rào cản ngăn cách hay ái ngại giữa người dân và lãnh đạo – rào cản có thể khiến họ không muốn hay không dám đề đạt vốn thường gặp giữa cử tri, người dân với những vị cán bộ, lãnh đạo có lối sống quan cách, xa dân.
Chúng ta học Bác Hồ từ tư tưởng đến đạo đức, phong cách, học ở sách vở và học ở cuộc sống, ở đời thường. Những buổi tiếp xúc cử tri, những buổi gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện, tìm hiểu, sẻ chia với người dân trong cuộc sống thường nhật như thế này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chính là hiện thực sinh động về sống và học, làm theo Bác. Thiết nghĩ rằng, đây cũng là kinh nghiệm cần rút ra, cần phải nhớ trong phong cách tiếp xúc với người dân của cán bộ lãnh đạo hiện nay.
Đến với dân thì phải gần dân, phải ân tình, cởi mở. Tiếp xúc cử tri là lúc cử tri muốn được chia sẻ, muốn được lắng nghe, muốn được trao đổi với đúng với tâm lý, suy nghĩ đời thường, vì vậy hãy tránh những bài phát biểu chuẩn bị sẵn vốn chỉ dành cho các buổi mít tinh, kỷ niệm, hãy hạn chế việc xuống dân mà chỉ cầm văn bản, cầm nghị quyết, cầm kết luận đọc. Hãy nói, hãy chia sẻ với người dân với tình cảm, nghĩ suy, hãy nói về những vấn đề cuộc sống đặt ra, truyền đạt chủ trương, đường lối theo cách hiểu và văn phong dễ nhớ, dễ cảm nhận…
Bởi sự gần gũi, ân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà cử tri tin tưởng, cởi mở trong việc đề đạt, nêu quan điểm, ý kiến của đời sống từ ở địa phương đến những vấn đề lớn. Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư diễn ra trước kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV, cử tri Nguyễn Anh Dũng cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Cùng vấn đề trên, cử tri Nguyễn Văn Chương bày tỏ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước thực hiện mạnh mẽ, với quyết tâm cao, không có vùng cấm và đạt đã thành quả rất tích cực. Tuy nhiên, ông Chương cho biết, những hạn chế trong công tác này đang gây bức xúc dư luận. Trong đó, tội phạm tham nhũng, lợi ích nhóm, tội phạm kinh tế không giảm, có chiều hướng tăng, phạm vi ngày càng mở rộng ra khắp lĩnh vực. Do vậy, cử tri đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng từ sớm, từ xa.
Cử tri Trần Tuấn Khanh đề nghị cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ông cho rằng, những vụ án xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vừa qua đặt ra bài học lớn trong công tác quản lý, phòng ngừa, phải có cơ chế ngăn chặn sớm, tránh để xảy ra hậu quả mới xử lý. Đặc biệt, không để tình trạng các ngân hàng hoạt động vi phạm quy định tài chính, pháp luật, bắt tay với doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…
Chăm chú lắng nghe, ghi chép từng ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những ý kiến cử tri nêu là xác đáng, liên quan nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa, khắc phục các tồn tại, hạn chế. Tổng Bí thư cho rằng, nếu không quyết tâm chống cho được tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái cán bộ thì đến lúc nào đó sẽ khó lường hậu quả. “Vừa rồi bắt một loạt vụ tưởng như không làm được. Hôm qua mới họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí cũng đã đưa bao nhiêu vụ rồi và sắp tới sẽ làm vụ nào thì đều đã được kể tên rồi. Không bí mật gì, khối anh sợ” - Tổng Bí thư lưu ý.
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức có sai phạm thì tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền tham ô, tham nhũng sẽ được xem xét. “Không phải xử nặng mới là tốt, cách chức hết cả mới là tốt. Vừa rồi mấy đồng chí Trung ương xin thôi, tức là phạm sai lầm rồi tự giác xin thôi công tác. Đây là cái mới, rất nhân văn” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho biết, nếu người nào còn ngoan cố thì sẽ bị xử lý nghiêm. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh nội bộ, trong chính chúng ta, trong mỗi con người nên phải làm kiên trì, bền bỉ, nhân văn, nhân đạo. Đồng thời khuyến khích ai đã trót nhúng chàm rồi mà chủ động “rửa tay” thì sẽ được xử lý nhẹ hơn.
Thực tiễn cho thấy, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều căn bản là “xử một số người để cứu muôn người”, từ việc xử nghiêm có ý nghĩa cảnh tỉnh, răn đe sâu sắc.
“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(Còn nữa)