Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa

Thứ Tư, 11/08/2021, 19:49

Về vấn đề lưu thông hàng hóa, dù có nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, tuy nhiên từng địa phương lại có đặc điểm, cách hiểu, cách áp dụng khác nhau nên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu....

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, về vấn đề lưu thông hàng hóa, dù có nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, từng địa phương lại có đặc điểm, cách hiểu, cách áp dụng khác nhau nên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu; gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu...Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có những trao đổi với các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn.

Ngày 27/7, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó đề xuất tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đề xuất tất cả hàng hóa được lưu thông, trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định pháp luật. Hai ngày sau, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo theo đề xuất của Bộ Công Thương, nên giải quyết cơ bản được tình hình.

"Tuy nhiên, vừa qua, kể cả sau khi có văn bản, tại một số địa phương vẫn có hiện tượng hàng hóa khi lưu thông, lái xe, phụ xe gặp khó khăn. Do đó chúng tôi mong muốn các địa phương rất chia sẻ, tuy mục tiêu là chống dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo "mục tiêu kép" để giúp việc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu được thông suốt", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.

Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa -0
 Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Liên quan đến việc sản xuất "3 tại chỗ", ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mô hình này vẫn là phương án tốt cho sản xuất tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương án này được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang do các tỉnh này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, các khu công nghiệp ở phía Bắc chỉ khoảng nghìn người/khu công nghiệp; trong khi phía Nam hàng chục nghìn người/khu công nghiệp, công nhân, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành nên khó kiểm soát hơn.... Do đó, việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hiện gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện việc này trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, chuỗi cung ứng logistic bị đứt gãy, chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao... khiến nhiều doanh nghiệp không chịu được trong thời gian phong tỏa dài, trong khi nhiều địa phương còn quy định khác nhau... Do đó, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Y tế mạnh dạn đề xuất phương án tốt hơn "3 tại chỗ"; như: sửa đổi quy định liên quan hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp; phương án nếu có F0 thì sẽ thế nào... để sớm ban hành văn bản thống nhất hướng dẫn, vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho rằng, để khắc phục việc ùn tắc ở các chốt kiểm soát dịch ở một số địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hướng dẫn các cục, tổng cục, các địa phương không tiến hành kiểm tra tại các chốt kiểm soát và khi đang lưu thông trên đường đối với những xe có mã QR code, chứng nhận luồng xanh; nếu không có mã QR code thì lái xe cần xuất trình giấy xác nhận đã test COVID-19; tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm ở các khu bốc xếp hàng hóa... Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa; có phương án phân luồng giao thông hợp lý để chống ùn tắc...

An Quỳnh
.
.
.