Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Bộ Công an đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Phát sinh bất cập
Tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo TTATGT, Bộ Công an cho biết, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Một số người dân lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sỹ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về TTATGT.
Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm của công dân tham gia vào hoạt động bảo đảm TTAGTGT của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên khó khăn trong việc vận động nhân dân tham gia ý kiến, thực hiện trách nhiệm thông báo cho cơ quan Công an cũng như tham gia vào hoạt động bảo đảm TTATGT tại địa phương.
Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ CSGT chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao. Do vậy, khi làm việc trực tiếp với nhân dân chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của nhân dân.
Việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường. Việc quy định “khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư số 67/2019/TT-BCA trong thực tế. Việc góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook, App VneTraffic của cơ quan Công an chưa được quy định.
Theo Bộ Công an, từ những yêu cầu của thực tế cho thấy, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT là rất cần thiết.
Bảo đảm tính khả thi, ổn định, sát với thực tiễn công tác
Theo Bộ Công an, mục đích và quan điểm xây dựng dự thảo Thông tư là bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, ổn định cao và sát với thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở.
Về nội dung, dự thảo Thông tư gồm 3 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Thông tư số 67/2019/TT-BCA như sau: Dây căng là dây có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng 7cm; trên dây có in dòng chữ "KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG" màu vàng có phản quang.
Dự thảo Thông tư sửa đổi điểm b, điểm d, khoản 1, Điều 5 và bổ sung điểm g vào khoản 1, Điều 5 Thông tư số 67/2019/TT-BCA. Sau khi sửa đổi, bổ sung, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, những nội dung công khai của CAND công tác bảo đảm TTATGT sẽ bao gồm:
Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, thời gian làm việc, trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông; địa chỉ thư tín, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản mạng xã hội zalo, facebook... (nếu có) thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về tình hình trật tự, an toàn giao thông.
Trang phục, số hiệu CAND và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định.
Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Danh sách các phương tiện vi phạm hành chính về giao thông bị phát hiện thông qua hệ thống giám sát trên wbsite csgt.vn để cá nhân, tổ chức tra cứu và thực hiện nghĩa vụ nộp phạt theo quy định.
Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi khoản 3, Điều 8 Thông tư số 67/2019/TT-BCA về các hình thức nhân dân đóng góp ý kiến. Sau khi sửa đổi, bổ sung, các hình thức nhân dân đóng góp ý kiến gồm:
Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an.
Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý.
Thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử; thông qua tài khoản mạng xã hội; App VneTraffic của cơ quan Công an
Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập.
Thông qua các cuộc điều tra xã hội học.
Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 25/3/2024.