Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Thứ Bảy, 18/03/2023, 10:46

Để góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tạo điều kiện cho người nước ngoài, nâng cao hiệu quả quản lý cư trú

Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, năm 2020, 2021 đại dịch COVID-19 với những làn sóng lây nhiễm trên toàn thế giới đã dẫn đến đời sống kinh tế xã hội ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến chính sách xuất nhập cảnh. Do vậy, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam giai đoạn này đã giảm sâu so với năm 2019.

Năm 2022, Việt Nam và đa số các nước trên thế giới đã bắt đầu khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan “khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế”; “tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan việc cấp thị thực; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi khách du lịch nhập cảnh”. 

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam -0
Chính sách về pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài. 

Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam có tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài (EuroCham, AmCham Việt Nam); Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); các hiệp hội, cơ quan chức năng về du lịch, nhất là Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhiều lần kiến nghị về việc nâng thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là cần thiết.

Cũng theo Bộ Công an, những năm qua, chính sách về pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Tình hình người nước ngoài vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng, tập trung vào một số hành vi: giả mạo hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động hoặc núp bóng nhà đầu tư để hợp thức hóa việc xin cấp giấy tờ cư trú dài hạn và ở lại Việt Nam hoạt động trái phép; làm giả thẻ tạm trú cho người nước ngoài để cư trú trái phép; sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn; hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền…

Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tăng cường công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đề xuất kéo dài thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng

Tại hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung với các nội dung chính như sau:

1. Sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng cấp thị thực điện tử nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể quyết định cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ nếu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

2. Sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến 3 tháng (các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên 3 tháng được xem xét giải quyết theo quy định của Luật hiện hành).

3. Sửa đổi quy định về thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày để góp phần thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài là công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, tạo thuận lợi cho họ có nhiều lựa chọn: Nếu vào ngắn ngày thì nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, dài ngày hơn (90 ngày) thì lựa chọn thị thực điện tử.

4.  Sửa đổi, bổ sung quy định để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người nước ngoài, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài: Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú; người nước ngoài có trách nhiệm xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch hoặc cho người nước ngoài tạm trú qua đêm khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Toàn văn Hồ sơ dự thảo dự án Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương
.
.
.