Đề xuất “nới ” chính sách thị thực vào Việt Nam

Thứ Bảy, 17/12/2022, 07:56

Đó là một trong những đề xuất được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Phục hồi kinh tế & doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phát từ trụ cột “Dịch vụ hàng không-Du lịch” do Báo Nhân dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức chiều 16/12.

Dẫn đề cho buổi hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên Tập Báo Nhân dân cho biết, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng. Về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến.

Đề xuất “nới ” chính sách thị thực vào Việt Nam -0
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 chưa đạt tốc độ phục hồi như dự kiến.

Trước khi đưa ra giải pháp cho việc phục hồi du lịch và hàng không, PGS. TS Trần Đình Thiên nêu vấn đề, sau COVID-19, chúng ta mở cửa sớm (từ 15/3/2022) so với nhiều nước trong khu vực nhưng tại sao không thu hút được khách quốc tế? Là do cách tiếp cận kém, đặt vấn đề chưa tới tầm, chưa nhìn rõ cơ hội phục hồi của ngành du lịch. Một vấn đề nữa được vị này đưa ra là do vấn đề cấp visa của ta quá ít ngày và chỉ có 13 nước được miễn visa. Điều này khiến khách ngại đến Việt Nam, đây có thể coi là nguồn cơn của việc du lịch không phát triển được. Vừa là doanh nghiệp làm du lịch, vừa làm hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings bày tỏ, cần nhìn một cách tổng thể, chứ không riêng gì visa. Ông Kỳ thẳng thắn nói, chúng ta nói chuyện về visa, nhưng nếu có rồi dịch vụ có đáp ứng nổi không, hàng không giá cao người dân có đi không?

Ông Kỳ đề nghị: “ Chúng ta phải gỡ về cơ chế chính sách, hệ thống dịch vụ và phục vụ, chính sách về lưu thông vận chuyển. Hàng không nội địa thì tốt rồi nhưng hàng không quốc tế chưa được". Nói thêm về trở ngại của khách nước ngoài khi muốn đến Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính  đại diện HIệp hội Du lịch cho biết, nhiều khách quốc tế băn khoăn, đến Việt Nam vẫn phải mua bảo hiểm chi trả COVID-19.

“Chúng ta nên tìm cách sớm gỡ bỏ, đây là rào cản kỹ thuật. Trong khi nhiều nước đã bỏ quy định này”, ông Nhân Chính nêu vấn đề. Còn ông Nguyễn Ngọc Bích-Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Mekong Rustic lại dẫn chứng: “Khách đến Việt Nam, muốn ở lại 1 tháng, lại tính cách ở 2 tuần rồi bay sang nước khác vài ngày rồi bay lại Việt Nam mới có thể ở thêm 2 tuần. Vấn đề kỹ thuật của visa cũng gây khó cho hành khách".

Sau khi nhìn thẳng vào vấn đề, đa phần các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng nên “nới” vấn đề cấp visa. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nên cải cách chế độ mở cửa. Doanh nghiệp Việt Nam đủ lực, đủ nhạy bén để làm hàng không, du lịch. Đại diện của Hàng không VietJet lại mong có thêm nhiều chính sách tích cực ưu tiên với hàng không. Vì theo vị này, hàng không tăng trưởng thì mang lại giá trị tăng trưởng cho các ngành khác, hàng không tăng trưởng 2% sẽ mang lại tăng trưởng 1% GDP. Còn ông Nguyễn Ngọc Bích lại đặt vấn đề quảng bá du lịch nên đa dạng, phong phú hơn, không nên chỉ quảng cáo trên CNN, trong khi nước ngoài họ có nhiều kênh khác.

Đánh giá lại các ý kiến, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho hay, sau hội nghị sẽ có các sáng kiến được gửi lên cấp trên để xem xét. Cụ thể là mở rộng danh sách miễn thị thực lên 65 nước; mở rộng số ngày miễn thị thực ra từ 15 lên 30 hoặc 45, thậm chí 90 ngày như Thái Lan; bỏ bảo hiểm COVID-19; xây dựng sản phẩm mới; nâng cấp các địa điểm du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch;  nâng cao chất lượng nhân viên phục vụ. “Chúng ta sẽ đặt mục tiêu đuổi theo du lịch Thái Lan”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Đặng Nhật
.
.
.