Đề xuất hỗ trợ chi phí vận chuyển xăng dầu giờ cao điểm
Chiều 10/10, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án hỗ trợ di chuyển, phương tiện vận chuyển xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được lưu thông vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm duy trì liên tục việc cung ứng xăng dầu tại thị trường TP Hồ Chí Minh, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân; thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp góp phần ổn định tình hình cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay tình hình nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn Thành phố đang gặp những khó khăn nhất định.
Qua rà soát sơ bộ trên địa bàn thành phố, ghi nhận ngày 9/10 có 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, vẫn mở cửa bán mặt hàng dầu bình thường. Một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức 30.000 - 50.000 đồng/xe máy hoặc duy trì 1-2 trạm bơm do không có hàng để bán. Phản ánh từ các đơn vị kinh doanh xăng dầu cho biết, một số khó khăn do tình hình chung, đồng thời cùng với các lý do khách quan (ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn tạm thời) dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chưa cung ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng tại một số thời điểm.
Bên cạnh đó, có tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời, đặc biệt là vào giờ điểm giờ cao điểm do phương tiện vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong giờ cao điểm.
Trước tình hình trên, Sở Công Thương đề xuất Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố xem xét, có phương án tạm thời nhằm hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, được lưu thông vào giờ cao điểm (trong khung thời gian từ 9 giờ đến 16 giờ và từ 18 giờ đến 22 giờ).
Theo đó, hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Thời gian đề xuất hỗ trợ phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm từ ngày 11/10 đến hết ngày 1/11. Sau thời gian trên, căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu phát sinh (nếu có), Sở Công Thương sẽ đánh giá tình hình và đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp (trong trường hợp cần thiết).
Ông Phương cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong đó 58 cửa hàng tạm ngưng do hết xăng (chiếm hơn 10%). Nguyên nhân chính, là các cửa hàng đặt hàng nhưng nhà cung cấp thiếu, hoặc vào giờ cao điểm nhu cầu tăng cao nhưng các xe vận chuyển cung ứng xăng không kịp, các cửa hàng hết xăng tạm thời là hoàn toàn khách quan.
Sở Công Thương và Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã theo dõi sát sao các cửa hàng đóng cửa, bán hàng nhỏ giọt với lý do gì? Đồng thời, Sở Công thương cũng đã lắng nghe, trao đổi, chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp (DN), tổng hợp báo cáo UBND Thành phố kiến nghị Liên Bộ Công Thương, Tài Chính.
Các kiến nghị của UBND Thành phố vừa qua cũng đã được Liên bộ này lắng nghe, có điều chỉnh, tính toán chi phí vận chuyển đối với mặt hàng xăng dầu trong nước. Với điều chỉnh này, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong ngày 11/10, Sở Công thương đánh giá là các khó khăn liên quan tới chi phí của DN tạm thời được giải quyết.
Ghi nhận 58 cửa hàng tạm đóng cửa, ngưng hoạt động, là những DN nhỏ lẻ có 1 – 2 cửa hàng với lý do khách quan liên quan chi phí, DN không gồng được, chứ không phải DN chuỗi. Các DN lớn có thương hiệu, chuỗi cửa hàng, có hệ thống trữ hàng tốt thì vẫn đảm bảo nguồn cung. Vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước phải hỗ trợ cung ứng xăng dầu kịp thời trước tình trạng một số cửa hàng nhỏ lẻ tạm ngưng bán hàng, người dân đổ xô đến cây xăng gần đó mua hàng.
Sở đã nhận được kiến nghị của Petrolimex cho một số xe bồn được lưu thông trong giờ cao điểm bổ sung hàng ngay cho các cửa hàng xăng dầu có lượng dự trữ thấp. Sở Công thương đã gửi văn bản đến Sở Giao thông vận tải tính toán hỗ trợ cho DN để giải quyết tình trạng hiện nay.
Đồng thời, Sở Công thương cũng đã công bố danh sách 500 cửa hàng bán bình thường để người dân yên tâm mua xăng dầu.
Hiện nay, nếu không tính toán cho xe bồn lưu thông bổ sung xăng dầu cho cửa hàng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hàng cục bộ kể cả ở các cửa hàng có thương hiệu chứ không chỉ cửa hàng nhỏ lẻ. Theo quy định, không được bán xăng, dầu vào can cho người tiêu dùng mang về dự trữ.
“Hiện nay, qua thực tế kiểm tra cho thấy một số cửa hàng hết xăng, còn dầu hoặc chỉ hết xăng 95, sau khi cơ quan chức năng nhắc nhở, xe bồn cung cấp xăng về hàng thì cửa hàng vẫn bán bình thường chứ không có chuyện cửa hàng đóng cửa như một số thông tin phản ánh”, ông Phương nói.