Đề nghị xử lý hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội như hành vi trốn thuế
Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu, hay tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH... được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận.
Hơn 60% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đánh giá, dự án luật có mức độ ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống của hơn 70 triệu người, đặc biệt là đối tượng đang trong độ tuổi lao động và đối tượng hưởng chế độ hưu trí.
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, Chính phủ cho biết, hiện nay số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. "Đây là số liệu rất đáng báo động, như vậy còn trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện vẫn chưa tham gia BHXH, chủ yếu là nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức – những người có thu nhập thấp, đối tượng rất cần sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương", bà nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, trong các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, "chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh" là đối tượng mới. Tại Việt Nam, trong 5 triệu hộ kinh doanh, có 2 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký, như vậy có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh không tham gia BHXH, tương đương ít nhất 3 triệu người ở độ tuổi lao động không tham gia BHXH.
"Tôi kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh vào nội dung quy định tại Điều 3 dự thảo luật", đại biểu góp ý và khẳng định, tham gia BHXH là một giải pháp an sinh tốt, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp, bấp bênh, kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc là rất nên, xét cả về trách nhiệm của người lao động đối với xã hội và trách nhiệm của xã hội đối với người lao động. "Nhưng còn về mức đóng, tôi đề nghị chỉ là mức mà người lao động đóng. Họ đóng như nào, sau này hưởng như thế, chứ đừng bắt họ đóng như mức các chủ sử dụng lao động đóng. Quy định như vậy sẽ khuyến khích thêm hàng triệu hộ kinh doanh tham gia", ông nêu.
Giảm năm đóng BHXH, lo ngại xu hướng người dân "nghèo hoá"?
Về sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hoá) hoàn toàn nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%, tương đương hơn 2 triệu đồng).
"Đồng thời, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai" - đại biểu đề cập thực tế và đề nghị cần xem xét, thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cũng đồng tình việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp. Việc giảm thời gian đóng không phải dành cho lao động trẻ; mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già. Do đó, theo ông, dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng đủ hấp dẫn để người lao động thấy được, tham gia BHXH là có thu nhập, bảo đảm mức sống tối thiểu.
Quy trách nhiệm cơ quan Nhà nước để trốn đóng, chậm đóng BHXH
Về giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH như dự thảo luật đang ghi nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách BHXH, cần có các quy định để định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.
"Bên cạnh đó, đề nghị thiết kế một số quy định trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà không thể đóng BHXH cho người lao động", ông kiến nghị.
ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị khoản 3, Điều 37 dự thảo luật bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như là hành vi trốn thuế. "Như vậy mới đủ sức răn đe", đại biểu lưu ý.
Nhất trí với quan điểm này, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, biện pháp xử lý phải hướng vào chủ sử dụng lao động và phải là vấn đề hình sự. Không nên quy định như khoản 2, Điều 37 về cơ quan có thẩm quyền ngừng sử dụng hoá đơn đối với người chậm đóng BHXH.
"Nếu ngừng hoá đơn thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn, càng ảnh hưởng người lao động hơn. Khoản 4 cũng nói, cơ quan bảo hiểm có quyền khởi kiện. Về mặt công nghệ, chúng ta có thể kiểm soát được việc chậm đóng bảo hiểm. Cứ chậm 1-2 tháng là đưa ra khởi kiện hành chính được rồi. Nhưng phải làm thế nào để cưỡng chế được ngay, chứ đợi một vài năm doanh nghiệp phá sản thì lấy đâu ra nộp, mà ảnh hưởng thị trường lao động", đại biểu phân tích và đề nghị việc xử lý hành vi chậm đóng phải làm cương quyết hơn.