Đề nghị ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Chiều 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về PCCC&CNCH; luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về CNCH và xã hội hóa công tác PCCC&CNCH; khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Đề xuất mua máy bay phục vụ PCCC&CNCH
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về PCCC, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác PCCC&CNCH.
Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.
Theo ông, khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác CNCH là phải nhanh chóng, hiệu quả. Người thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ sự dũng cảm, quyết đoán, trong môi trường nguy hiểm, rủi ro cao. "Cần quy định ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện CNCH tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để phục vụ PCCC&CNCH", đại biểu tỉnh Kon Tum đề xuất.
ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác PCCC&CNCH.
Cùng chung suy nghĩ, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ trong dự thảo luật về những chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCC&CNCH. "Trong đó, cần ưu tiên thoả đáng nguồn lực tài chính để mua sắm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu CNCH trong những tình huống khó nhất", bà nhấn mạnh.
Đề cập thực tiễn tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là ở các thành phố lớn, nơi có các khu đô thị, chung cư mini, tập trung đông dân cư..., đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật PCCC&CNCH trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật PCCC hiện hành; đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, chất lượng...
Quy định trách nhiệm của người dân trong lắp thiết bị báo cháy
Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá cao dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới nổi bật, như cắt giảm thủ tục hành chính, từ 42 thủ tục xuống còn 13 thủ tục, đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động PCCC. Dự thảo luật đẩy mạnh xã hội hoá nhiều nội dung trong nghiệm thu PCCC như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, kiểm định kỹ thuật, thi công, lắp đặt, bảo dưỡng...
Dẫn thực tế vừa qua có nhiều vụ cháy nhà dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản mà nguyên nhân chính từ ý thức của người dân trong chính ngôi nhà của mình, nhiều vụ cháy xảy ra trong đêm, khi cả gia đình đang ngủ hay không có người lớn ở nhà, ĐBQH Trần Thị Thu Phước khuyến nghị dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân trong lắp đặt chuông, thiết bị báo cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động có thể kích hoạt từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh.
"Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo, kịp thời chữa cháy...", bà góp ý.
Theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), dẫu biết rằng "nhất thủy, nhì hỏa" là nguy cơ thảm họa luôn rình rập từ ngàn đời nay, nhưng chưa bao giờ giặc hỏa, cháy lại khủng khiếp và tàn khốc như gần đây. "Nguy cơ cháy vô cùng lớn từ các khu nhà trọ, nhà ở, nhà ống, ngõ hẹp, sâu trong thành phố, từ vũ trường, nhà hàng, karaoke, 1001 kiểu cháy khó lường... Lâu nay chúng ta ít quan tâm đầy đủ đến việc PCCC đối với nhà ở của người dân, các quy định của pháp luật dường như chỉ dừng lại ở sự khuyến nghị, khuyến cáo, không thấy các quy phạm có tính bắt buộc. Vì vậy, người dân không sẵn sàng trong công tác PCCC, thoát nạn, tư tưởng chủ quan, đơn giản", ông nói.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp cận, nghiên cứu kỹ, sâu, đầy đủ, cụ thể hơn về công tác PCCC đối với nhà ở người dân; xác lập các quy định, trang bị cơ sở vật chất, nguyên tắc ứng xử, hành động của người dân về PCCC và thoát nạn một cách cụ thể và có tính bắt buộc. "Đã đến lúc cần có một cuộc cách mạng, một phong trào quần chúng sâu rộng, liên tục, bền vững và hiệu quả, được tổ chức thực hiện bằng hành lang pháp lý quyết liệt hơn về PCCC", đại biểu tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh và đề nghị Điều 17 về phòng cháy nhà ở và khoản 2, Điều 46 về trang bị đối với cơ sở hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới cần thiết kế xứng tầm hơn theo hướng yêu cầu trang bị đầy đủ phương tiện, phù hợp với tình hình nguy cơ cháy, nổ...
Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các ý kiến ĐBQH đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC&CNCH, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đảm bảo ANTT, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường an toàn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án luật, với 396 ý kiến thảo luận tại tổ và 17 ý kiến thảo luận tại hội trường. Các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện các quy định như: rà soát thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; quy hoạch về PCCC&CNCH; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy; hoạt động PCCC; hoạt động CNCH; trang thiết bị PCCC; hướng dẫn thoát PCCC; công tác quản lý Nhà nước về PCCC và một số nội dung khác...
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang mong muốn, thời gian tới, các ĐBQH, các cơ quan tổ chức và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự án luật; Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.