Đề nghị thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Thứ Hai, 11/10/2021, 17:22

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chiều 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Báo cáo tóm tắt các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ba địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm: bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ba địa phương; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết.

Đề nghị thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế -0
Các đại biểu tại phiên họp

Theo  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự thảo Nghị quyết chỉ tập trung quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của ba địa phương thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố khác trong cả nước; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND địa phương. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ba địa phương, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhất trí ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế, chính sách đặc thù này vì đây là vấn đề rất lớn và rất mới, chưa từng được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc kỹ hơn đề xuất này vì việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Đề nghị thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình và dự thảo Nghị quyết

Trong khi đó, Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết chưa định hình được những nét cơ bản của Khu thương mại tự do này như thế nào. Nội dung khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết mới chỉ thể hiện nghiên cứu mô hình khu thương mại tự do, trong khi thời gian áp dụng thí điểm là 5 năm. Thời gian nghiên cứu, thí điểm hình thành khu thương mại tự do cũng mất gần 5 năm. Mặt khác, Tờ trình của Chính phủ tuy có đề cập tới kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành Khu kinh tế tự do, nhưng thực tế cho thấy đã có đã có những trường hợp không thành công.

Đề nghị thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Do đó, các Ủy viên UBTVQH tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, chưa quy định chính sách này trong dự thảo Nghị quyết và tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Phương Thuỷ
.
.
.