Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao

Thứ Năm, 18/07/2024, 13:45

Ngày 18/7, Đoàn công tác Liên ngành Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn cùng thành viên ở các bộ ngành đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo với Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cùng các thành viên trong Đoàn công tác kết quả triển khai xây dựng đề án của tỉnh tính đến giữa tháng 7/2024.

Theo đó, chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được các cấp xem xét, thực hiện và lấy ý kiến người dân tại các địa phương sắp xếp đúng quy định. HĐND tỉnh Khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã thông qua Nghị quyết chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, thành lập huyện Long Đất trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Sáp nhập xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vào xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ; lấy tên là xã Phước Hội, huyện Long Đất.

Sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ vào thị trấn Phước Hải, lấy tên là thị trấn Phước Hải, huyện Long Đất; sáp nhập 3 xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước thuộc huyện Long Điền thành xã Tam An, huyện Long Đất. Sau sáp nhập, huyện Long Đất có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 xã và 4 thị trấn.

Tại TP Bà Rịa, nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, lấy tên là phường Phước Trung. Sau sáp nhập, TP Bà Rịa có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 xã và 7 phường.

Như vậy, sau sáp nhập, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 77 đơn vị hành chính cấp xã.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao -0
Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn công tác, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nêu phương án của tỉnh về tổ chức bộ máy, bố trí công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Đồng thời tỉnh báo cáo phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để tránh lãng phí.

Theo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng số trụ sở công tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 9 cấp xã liên quan sắp xếp trên địa bàn tỉnh là 119 trụ sở (cấp huyện 35 trụ sở, cấp xã 84 trụ sở). Sau khi sắp xếp, số trụ sở được tiếp tục sử dụng là 91 trụ sở (cấp huyện 24 trụ sở, cấp xã 67 trụ sở). Số trụ sở dôi dư là 28 trụ sở (cấp huyện 11 trụ sở, cấp xã 17 trụ sở).

Phương án giải quyết của tỉnh với số trụ sở công dôi dư là điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng là 4 trụ sở; Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định là 24 trụ sở.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao -0
Một số thành viên đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn ở các Bộ, ngành đều có đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ, quá trình thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc thực hiện đề án tiến hành kịp thời, đúng quy định, có các chính sách về bố trí công việc, hỗ trợ cho cán bộ, người lao động dôi dư sau sắp xếp…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt ra một số vấn đề để tỉnh lưu ý, điều chỉnh bổ sung, chủ yếu về mặt số liệu, tên gọi, bản đồ. Bên cạnh đó là giải trình thêm về việc hình thành các đô thị sau sắp xếp; việc quản lý các di tích, hồ sơ, kiện toàn nhân sự để việc tôn tạo, quản lý các di tích hiệu quả.

Đồng thời, cần lưu ý thêm về phương án sử dụng các trụ sở công dôi dư sau sắp xếp để tránh lãng phí, hiệu quả, thuận lợi cho hoạt động của cán bộ, người lao động các đơn vị, người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra là thuận lợi cho các ngành dọc như Công an, Quân sự, Tòa án…

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ngành giải trình làm rõ thêm. Trong đó, Sở Tài chính thông tin về phương án sắp xếp các trụ sở công dôi dư. Cụ thể, đối với các trụ sở công cấp huyện và xã, tỉnh sẽ giao cho huyện quản lý. Việc bố trí công năng mới, huyện sẽ tính toán có phương án, đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Sau khi bố trí xong nếu còn trụ sở công dôi dư mới tiến hành bán đấu giá.

Trụ sở công của ngành Công an sau sắp xếp không dôi dư. Tỉnh cũng đã làm việc với ngành Công an, ngành đã có kế hoạch bố trí công năng cho hoạt động của ngành với các trụ sở này. Ngoài ra còn một số trụ sở của cơ quan trung ương khác như Tòa án, Viện KSND tỉnh cũng đã làm việc và đề nghị chuyển giao lại cho địa phương quản lý, sắp xếp.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đồng tình với nhận xét chung của các thành viên trong đoàn, đánh giá cao công tác thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc thực hiện đề án đúng quy định và kịp thời.

Tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân, cán bộ công chức, người lao động về phương án sắp xếp; tổ chức lấy ý kiến cử tri, ghi nhận các ý kiến đồng thuận cũng như còn những ý kiến chưa đồng thuận, lý do chưa đồng thuận. Bên cạnh đó, cũng giải thích cho cử tri, người dân lý do vì sao lại chọn phương án như vậy…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp thu một số vấn đề các thành viên đoàn đã nêu. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá, đề án của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đủ điều kiện để trình các cấp có thẩm quyền thông qua.

Phú Lữ - Khánh Ly
.
.
.