Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận phù hợp với bối cảnh mới
Ngày 31/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND; TS. Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND khẳng định: Kể từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng cho đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò đặc biệt của công tác tư tưởng, lý luận. Trong nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định, công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng, bồi đắp nền tảng, lý tưởng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng theo Thiếu tướng Chử Văn Dũng, hiện nay bối cảnh thế giới và trong nước đã và đang đặt ra cho công tác tư tưởng, lý luận phải đổi mới về nhận thức, xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học-công nghệ lần thứ 4 với trọng tâm là chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản trị quốc gia, mô hình sản xuất kinh doanh tiêu dùng cũng như đời sống văn hóa xã hội. Do đó, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cũng không nằm ngoài phạm vi của chuyển đổi số với nhiều thuận lợi to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng để công tác tư tưởng, lý luận nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mà chuyển đổi số đem lại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan đã được Đảng, Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, gia đình hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau; để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Thực tiễn trên cho thấy, việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay.
Xuất phát từ thực tế đó, với chủ đề “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo, quản lý, các bộ, ban ngành, cơ quan làm công tác tư tưởng, lý luận nghiên cứu trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng, chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận thời gian tới.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận có giá trị cả về lý luận và thực tiễn như: “Chuyển đổi số ngành xuất bản góp phần tăng cường hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay” của TS Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Quốc gia Sự thật; “Chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận, tiếp cận và đề xuất” của PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại TP Hà Nội giai đoạn hiện nay” của Ths Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; “Công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” của PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…
Các tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích thực trạng chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay; đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đề xuất cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, chiến lược chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận; nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải chuyển đổi số trong công tác tư tưởng lý luận. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác tư tưởng, lý luận; đào tạo nguồn nhân lực số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong chuyển đổi số công tác tư tưởng, lý luận; thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong đào tạo, cụ thể hóa nội hàm về phương thức sản xuất số trong công tác đào tạo lý luận chính trị…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao 87 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia của các cơ quan, đơn vị trong cả nước gửi đến Hội thảo cũng như các tham luận trực tiếp tại Hội thảo với các chủ đề phong phú, đa dạng. Đây thực sự là những luận cứ khoa học quan trọng về chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận tại Việt Nam hiện nay, góp phần triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Các tham luận thêm một lần nữa cho thấy yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ về sự cần thiết và cấp bách phải chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng.