Đấu giá đất để làm dự án phải khác với đấu giá những loại tài sản còn lại
Trước những lùm xùm xung quanh việc đấu giá đất ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm thời gian qua, ngày 23/2 Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế”.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam cho biết, bài học để lại sau việc đấu giá 4 lô đất ở KĐTM Thủ Thiêm không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cả các địa phương khác. Bởi chính quyền sẽ tìm ra cách phải làm sao để không bị nhà đầu tư đưa vào vòng nhiễu loạn như vậy.
Ông Hải khẳng định, vụ đấu giá tai tiếng này không liên quan gì đến quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm khi trên các lô đất đưa ra đấu giá đã có quy hoạch chi tiết về chức năng, chiều cao công trình và nhà đầu tư đã biết rõ vấn đề này trước khi tham gia đấu giá.
Tham gia đấu giá đất thành công và bỏ cọc, nhà đầu tư đã có sự tính toán để tránh vi phạm pháp luật. Do vậy việc cần làm hiện nay là sửa các quy định trong hệ thống pháp luật trong đấu giá. Làm sao vừa dung hòa được việc tài sản đưa ra đấu giá được trả ở mức cao nhất, nhưng khi bán được giá cao lại không tạo ra chiều hướng bất lợi cho thị trường bất động sản (BĐS).
Nêu bức xúc sau câu chuyện đấu giá này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, sau vụ đấu giá trên, giá đất được đẩy lên rất cao, thiệt hại về mặt kinh tế là không hề nhỏ. Do đó Nhà nước cần xử lý tận gốc của vấn đề.
Ông Châu nhìn nhận, Luật Đấu giá tài sản hiện được áp dụng cho toàn bộ việc đấu giá tài sản của Nhà nước và tư nhân là không phù hợp. Đấu giá lô đất để phát triển dự án tòa nhà cao tầng mà không có chế tài nào để thẩm định nhà đầu tư sẽ làm dự án như thế nào trong tương lai. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật về đấu giá tài sản cần có sự thay đổi, phải lấy chuyên ngành là gốc, chẳng hạn như vụ việc đấu giá đất để phát triển dự án nhà ở này phải lấy Luật Xây dựng để làm cơ sở.
Viện dẫn quy định tại các điều 41, 42 và 43 trong Luật Đấu giá tài sản, ông Châu cho rằng thực hiện đấu giá theo điều 42 và 43 bằng cách bỏ phiếu trực tiếp và gián tiếp sẽ phù hợp với hình thức đấu giá đất để làm dự án.
Ngoài ra, ông Châu cũng đề nghị cần xác định tiêu chí của bên tham gia đấu giá ngay từ đầu để tránh tình trạng những đơn vị mới thành lập cũng nghiễm nhiên được tham gia đấu giá đất để phát triển cả một dự án lớn như hiện nay.
Góp ý tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý khác cũng tập trung phân tích về những tác động từ vụ đấu giá đất trên và cho rằng qua vụ việc này, TP Hồ Chí Minh sẽ rút ra được những kinh nghiệm và bài học sâu sắc.