Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, với nhiều đề xuất định hướng quan trọng đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành công của Hội nghị.
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Jakarta (Indonesia) đã thành công tốt đẹp, khép lại năm ASEAN 2023 với nhiều kết quả thực chất, ấn tượng; tạo động lực và kỳ vọng mới cho ASEAN hướng tới hiện thực hóa “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng.”
Với gần 20 hoạt động đa phương, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, với nhiều đề xuất định hướng quan trọng và sáng kiến thiết thực, đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành công của Hội nghị, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập khu vực và đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Cùng với đó, nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các cuộc tiếp xúc với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới để thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các đối tác vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan đã thông qua, ghi nhận 90 văn kiện, thể hiện một ASEAN chủ động, kiên cường và bản lĩnh; vượt qua những khó khăn, thách thức; đà xây dựng Cộng đồng ASEAN được giữ vững, tiếp tục ghi những dấu ấn hợp tác mới ở cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, tạo cơ sở và động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn của ASEAN trong tương lai.
Đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% trong năm 2024.
Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỷ USD. Đầu tư đạt mức cao kỷ lục hơn 224 tỷ USD.
Tuy nhiên, kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn rủi ro và chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định các xu thế của thời đại đặt ra cho ASEAN yêu cầu đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong hành động và đột phá trong ý tưởng để có thể tận dụng tối ưu các động lực tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế biển xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, các lãnh đạo đã thảo luận và ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với những định hướng xuyên suốt, nhằm xây dựng một ASEAN Tự cường, Năng động, Sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, xác lập khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN trong 20 năm tới.
Các thỏa thuận, sáng kiến như Xây dựng Hiệp định Khung Kinh tế Số ASEAN, Chiến lược Trung hòa Carbon, Phát triển Hệ sinh thái Xe điện, Khung kinh tế Biển Xanh... là những bước đi chủ động, sáng tạo của cả ASEAN và đối tác nhằm định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác mới ở khu vực.
Với tầm vóc của mình, ASEAN trở thành tâm điểm, thu hút sự hiện diện của gần 20 đối tác hàng đầu thế giới tại các Hội nghị.
Tại các Hội nghị của ASEAN với các đối tác, nhiều đề xuất hợp tác và thiết lập, nâng cấp quan hệ được thông qua (với Nhật Bản, Canada, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương-IORA, Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - PIF), phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Đáng chú ý, ASEAN-Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác cùng có lợi dựa trên quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố chung về làm sâu sắc hợp tác nông nghiệp; ASEAN với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua AOIP; ASEAN với Canada, Ấn Độ, Australia đã thông qua Tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời kỳ khủng hoảng...
Tại các hội nghị, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN tái khẳng định lập trường chung về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có những nội dung như tình hình Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên.
Các đối tác ghi nhận và đánh giá tích cực lập trường của ASEAN, cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề đang nảy sinh.
Dấu ấn Việt Nam
Tại các hội nghị, hoạt động, thảo luận về các vấn đề nội khối, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam truyền tải thông điệp, đề xuất nhiều định hướng, sáng kiến thiết thực nhằm củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng và tăng cường quan hệ với các đối tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nước ASEAN cần tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, tăng cường kết nối cứng và mềm, củng cố vai trò của ASEAN là tâm điểm của mạng lưới các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thông qua việc rà soát, nâng cấp và đàm phán mới FTA giữa ASEAN với các đối tác.
ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN.
Muốn vậy, các nước ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường bằng cả lời nói và hành động.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất giải pháp 3 điểm để phát huy vai trò quan trọng của Đông Á như: Định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế; Tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững; Hướng tới tương lai, cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước, đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt được Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kêu gọi các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN, cùng ASEAN bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Với các đối tác của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau; mong muốn các đối tác hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN; đề nghị các cơ chế hợp tác của ASEAN mở rộng các lĩnh vực tiềm năng, như chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh, công nghệ xanh... nhằm tạo thêm xung lực cho tăng trưởng bao trùm, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Giữa lúc vấn đề an ninh lương thực nổi lên như một thách thức lớn của thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nước bảo đảm nguồn cung ổn định và góp phần tăng cường an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác phối hợp thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác Mekong, đóng góp hiệu quả cho phát triển bền vững tiểu vùng Mekong.
Giáo sư Dewi Fortuna Anwar, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Habibie và là đồng sáng lập Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia, đánh giá cao sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và các bài phát biểu, đề xuất quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các Hội nghị; góp phần đảm bảo duy trì và thúc đẩy phát triển Đông Nam Á với tư cách là tâm điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương
Cùng với tham dự các Hội nghị, đóng góp chung cho hòa bình, hợp tác, phát triển của ASEAN, khu vực và thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp xếp để tiếp xúc với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế hàng đầu thế gới tham dự hội nghị (như Lào, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)...) để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, đưa hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân... ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia, ba Thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc song phương và ba bên thường xuyên, duy trì cơ chế ăn sáng làm việc giữa thủ tướng ba nước nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế nhằm không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, cùng nhau trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quan hệ ba nước; tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên hiện có.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cùng phối hợp triển khai hiệu quả các dự án hợp tác kinh tế, ODA, nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hay tại cuộc gặp Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng IMF triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; đồng thời, mong IMF tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về tư vấn, hoạch định chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra trong thời gian tới.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ phối hợp để triển khai hiệu quả cả 6 lĩnh vực hợp tác, gồm: đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm, phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; hướng tới phát thải ròng bằng 0; thúc đẩy hợp tác hạn chế rác thải nhựa; tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; và hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; mong WEF sẽ phối hợp cùng Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động hội tụ các chuyên gia, các nhà chính sách kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực để cùng thảo luận những vấn đề quan tâm chung.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận với các đối tác quan trọng về các chương trình hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, sản xuất xanh... là tiền đề các Bộ, ngành và các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế trong thời gian tới.
Chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các Hội nghị liên quan tại Indonesia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư; truyền tải thông điệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đến bạn bè ASEAN và quốc tế về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác, hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động, hiệu quả hơn vào các tiến trình khu vực.