Dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Thứ Năm, 14/12/2023, 20:16

Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả và ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả hai Đảng, hai nước.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, cả hai Đảng, hai nước đều coi đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng. “Chuyến thăm sang Việt Nam là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa và là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Đây cũng là hoạt động thăm nước ngoài cuối cùng của đồng chí Tập Cận Bình trong năm 2023”, ông Lê Hoài Trung cho biết.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Trung Quốc thực hiện nghị quyết của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là năm đầu tiên thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng các đại biểu tham dự gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: Phong Sơn.

Với Việt Nam, chúng ta luôn xác định quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là sự lựa chọn chiến lược trong đường lối đối ngoại của chúng ta.

Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc từ 30/10 – 1/11/2022 ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những ý nghĩa rất quan trọng, để lại những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Thứ nhất, qua chuyến thăm lần này, Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và sự coi trọng đối với uy tín cá nhân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đoàn đại biểu cấp cao của Trung Quốc lần này có thành phần rất cao. Tham dự đoàn có Giáo sư Bành Lệ Viên, Phu nhân đồng chí Tập Cận Bình; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Thái Kỳ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị; nhiều đồng chí là Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban bộ ngành và địa phương có quan hệ trực tiếp với Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo sư Bành Lệ Viên đã cùng hai Phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có những hoạt động mang ý nghĩa chính trị và nhân văn là gặp gỡ đại diện phụ nữ, trẻ em Việt Nam và sinh viên Việt Nam.

Dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm. Ảnh: Phong Sơn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng hai Phu nhân trước khi kết thúc chuyến thăm cũng đã có hoạt động rất ý nghĩa là gặp gỡ các nhân sỹ hữu nghị và thanh niên Việt - Trung.

Cùng với đó, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã hội đàm với đồng chí Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để cùng thực hiện ngay nhận thức chung đạt được trong hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lê Hoài Trung khẳng định, các hoạt động và thành phần tham gia các nội dung trao đổi thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã nhất trí rằng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã phát triển rất tích cực và toàn diện. Với truyền thống quan hệ hai Đảng, hai nước, với phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” cũng như những sự phát triển trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước nhất trí tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lựợ toàn diện. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Từ đó hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Cùng với đó, hai Đảng, hai nước đã nhất trí rằng sự phát triển của quan hệ giữa hai nước dựa trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, các chuẩn mực của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc -0
Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Phạm Kiên

Thứ ba, bên cạnh Tuyên bố chung xác định nguyên tắc quan hệ hai nước, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược như vậy, cùng với các nguyên tắc trong quan hệ, hai nước đã đề ra nội dung dưới 6 định hướng quan hệ, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Như vậy cùng với tuyên bố chung, nhận thức chung trong hội đàm, trong các cuộc gặp gỡ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng đã đưa ra một khuôn khổ và nội dung rất toàn diện.

Trong vấn đề Biển Đông, các đồng chí lãnh đạo ta cũng nêu rất rõ quan điểm từ trước đến nay của Việt Nam. Đây là vấn đề mà chúng ta cũng nhận thấy trong thời gian vừa qua hợp tác song phương và đa phương ở trên Biển Đông cũng được phát triển, nhưng đồng thời vẫn còn những bất đồng do lịch sử để lại. Qua đó cũng khẳng định những quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, khẳng định những nguyên tắc giải quyết mà thể hiện trong nhân thức chung giữa hai Đảng, hai nước và đặc biệt là dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để thúc đẩy các cơ chế đàm phán hiện nay và tránh hành động làm phức tạp tình hình. Trong tuyên bố chung cũng phản ánh điều đó.

Dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc -0
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Tuấn Dũng

Tiếp theo, cùng với nhận thức và những thỏa thuận đạt được qua Tuyên bố chung, hai bên đã ký 36 văn kiện trong hầu hết tất cả lĩnh vực ở các cấp trung ương và địa phương sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc củng cố tin cậy chính trị, gìn giữ môi trường hòa bình và tranh thủ thêm điều kiện bên ngoài cho quá trình phát triển của đất nước.  

Thứ năm, cộng đồng quốc tế và Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc cũng thấy rõ hơn thành tựu Việt Nam đạt được trong 40 năm qua và nhất là trong những năm qua khi thực hiện các cương lĩnh về xây dựng đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

“Đồng chí Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ rằng, mỗi lần sang Việt Nam đều thấy Việt Nam có đổi thay to lớn. Qua 6 thăm kể từ lần thăm trước đến Việt Nam, đến nay khi sang thăm Việt Nam, đồng chí Tập Cận Bình thấy rằng Việt Nam thay da đổi thịt. Điều này cho thấy thành tựu đổi mới to lớn ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông nói.

Qua chuyến thăm, cộng đồng quốc tế càng thấy rõ hơn về tính chất đúng đắn của đường lối đối ngoại của Việt Nam, của chính sách quốc phòng “4 không”, và của trường phái đối ngoại “ngoại giao cây tre” Việt Nam, qua đó ta có thêm điều kiện củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII và những định hướng đề ra của Đảng về đối ngoại.

An Nhiên
.
.
.