Dấu ấn 70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ
Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Có thể khẳng định, Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, hôm nay (30/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam sau 16 năm, đúng dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tái khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam; thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ với mong muốn nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương, phù hợp với tình hình mới và lợi ích của hai nước.
Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Có thể khẳng định, Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm Mông Cổ của đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu vào tháng 7/1955 và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu.Tsedenbal tháng 9/1959 đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Và ngay từ những ngày đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, hai quốc gia thường xuyên hỗ trợ, bổ trợ cho nhau. Từ năm 1956 đến 1990, Chính phủ Mông Cổ đã viện trợ cho Việt Nam hàng triệu USD (bằng tiền và quà tặng); đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và đón nhiều đoàn Việt Nam sang Mông Cổ dự các hội nghị quốc tế, dự các hoạt động của Mông Cổ (phía Mông Cổ đài thọ toàn bộ chi phí)…
Ngược lại, Việt Nam cũng đã cử các đoàn chuyên gia sang giúp Mông Cổ trong lĩnh vực nông nghiệp, cầu đường và viện trợ không hoàn lại cũng như hỗ trợ phòng dịch đại dịch COVID-19…
Trải qua 70 năm, mối quan hệ Việt Nam-Mông Cổ không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (Kỳ họp thứ 19 sẽ diễn ra cuối năm nay, tại Việt Nam), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật….
Nhận định về mối quan hệ hợp tác-hữu nghị giữa Việt Nam-Mông Cổ trong 70 năm qua, tại Hội thảo khoa học quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Thành tựu và triển vọng” hồi giữa tháng 9 vừa qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Jigiee Sereejav nhấn mạnh: “Di sản của sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ và hợp tác là giá trị quý giá của nhân dân hai nước chúng ta”.
Mông Cổ là đất nước rất rộng lớn với thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú sẽ là những lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước; đặc biệt trong việc tăng cường mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp lĩnh vực khai thác mỏ, kim loại đất hiếm, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Còn Việt Nam với thế mạnh của thị trường hơn 100 triệu dân đang trong thời kỳ dân số vàng; tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng và là quốc gia ký hơn 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể giúp doanh nghiệp Mông Cổ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới.
Với chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ Việt Nam - Mông Cổ sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa, thực chất, hiệu quả và lâu dài vì lợi ích của nhân dân hai nước.