Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ quyền công dân

Thứ Ba, 13/12/2022, 11:18

Sáng 13/12, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tờ trình do Phó Chánh án Toà án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày cho biết, thực hiện quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) năm 2012 về việc giao "UBTVQH quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc", UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 09 ngày 20/1/2014 về "Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND".

Giữ nguyên việc chỉ định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên -0
Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình.

Về cơ bản, việc ban hành Pháp lệnh số 09 đã đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, đã bộc lộ nhiều quy định bất cập, hạn chế như: Thiếu một số quy định để giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên; chưa có quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, giải quyết; thiếu quy định về tổ chức phiên họp trực tuyến; việc quy định khiếu nại hành vi của Chánh án TAND cấp tỉnh do Chánh án TAND cấp tỉnh giải quyết là chưa thực sự phù hợp…

Mặt khác, sau 8 năm thi hành pháp lệnh, nhiều quy định pháp luật liên quan đến Pháp lệnh số 09 đã được sửa đổi, bổ sung, nhất là Luật XLVPHC năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Qua rà soát Luật XLVPHC cho thấy có 9 điều  liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã có sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới, như: Bổ sung quy định TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quy định rõ trường hợp người đang ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì phải có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; quy định mới biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng (thay thế biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng).

Giữ nguyên việc chỉ định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành một số luật liên quan đến Pháp lệnh này như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Cư trú năm 2020, Luật Căn cước công dân… Do đó, nhiều quy định của Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban nhất trí với việc sửa đổi toàn diện pháp lệnh này để khắc phục những bất cập trong thực tiễn và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thi hành.

Giữ nguyên việc chỉ định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 2), dự thảo pháp lệnh kế thừa Pháp lệnh số 09, quy định người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định này bởi vì không phù hợp với điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Luật sư "Luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu".

Uỷ ban Tư pháp cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh số 09 quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc.

"Nếu không quy định việc chỉ định luật sư thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ (nếu không thuộc diện trợ giúp pháp lý). Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh số 09" - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu quan điểm.

Giữ nguyên việc chỉ định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình giữ nguyên việc chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên như Pháp lệnh số 09 vì không mâu thuẫn với pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, giải trình các nội dung: hoãn phiên họp ở Điều 20, hoãn phiên họp trong giải quyết kiến nghị, khiếu nại ở Điều 34.

Giữ nguyên việc chỉ định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên -0
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tại phiên họp.

Thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành và những chính sách, nội dung của pháp lệnh. Đồng thời khẳng định, quá trình sửa đổi pháp lệnh, Bộ Công an đã cử cán bộ phối hợp Uỷ ban Tư pháp và TAND Tối cao ròng rã 20 ngày rà soát, sửa đổi; đánh giá đây là pháp lệnh thời gian sửa đổi ngắn nhưng với sự cố gắng của các cơ quan đã đạt yêu cầu, rất công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, về cơ bản chỉ có những lỗi kỹ thuật rất nhỏ...

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã biểu quyết thông qua việc ban hành pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi).

Quỳnh Vinh
.
.
.