Đảng viên, cán bộ phải đi đầu trong chuyển đổi số
Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải là những người đi đầu trong đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và chuyển đổi số (CĐS). Đó là chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tại hội nghị tổng kết cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 14/3.
Ngày 14/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền móng kinh tế số, xã hội số, như: Hoàn thiện thể chế; hạ tầng số; nền tảng số; dữ liệu số; an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; phát triển nhân lực số; kỹ năng số, công dân số và văn hóa số; doanh nghiệp số; thanh toán số.
Công tác CĐS ở Bạc Liêu thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông được tăng cường đầu tư, hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp.
Đặc biệt, năm 2022, tỉnh thành lập 450 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, khóm ấp với gần 3.000 thành viên. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có cáp quang tới trung tâm xã, sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng; 100% số trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động; số công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn và số cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet đạt 100%.
Hiện tỉnh có 22 phần mềm, hệ thống thông tin đang được sử dụng, khai thác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai, kết nối thông suốt giữa 4 cấp, phục vụ tốt các cuộc hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.197 DVCTT mức độ 3, độ 4 và đã tích hợp 771 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất, phù hợp với thời kỳ CĐS như hiện nay thì Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc đăng ký tài khoản định danh điện tử; khai thác, sử dụng DVCTT và CĐS; vận dụng hiệu quả CĐS vào quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuyên truyền vận động người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử; khai thác, sử dụng các DVCTT; tiếp cận với kiến thức CĐS; tiếp cận, sử dụng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số.
Đồng chí Phạm Văn Thiều đề nghị Công an tỉnh rà soát, thống kê các trường hợp Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh chưa đăng ký, kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử để tham mưu đánh giá tiến độ thực hiện và mức độ sử dụng DVCTT đối với Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, từ đó đề ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh.