Đảng, Nhà nước, nhân dân trông chờ, tin tưởng vào sự đóng góp tích cực của văn nghệ sĩ
Đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, vươn mình. Đảng, Nhà nước, nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng mới.
Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi gặp mặt văn nghệ sĩ vào chiều 30/12 tại Hà Nội. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và 200 văn nghệ sĩ.
Buổi gặp mặt thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, nhằm cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; hướng tới Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ niềm vui, vinh dự và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, với mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng nền văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã có nhiều tác phẩm giá trị, góp phần cổ vũ động viên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm đổi mới, VHNT đã bám sát hiện thực sôi động của đất nước, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, VHNT, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Các thành tựu trên lĩnh vực VHNT đã đạt được trong thời gian qua khá đồng bộ và toàn diện, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Đại diện văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an khẳng định: Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối văn hoá của Đảng, những năm gần đây, Quân uỷ Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ văn nghệ sĩ LLVT được đào tạo cơ bản, phát huy vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hoá; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật luôn phục vụ hiệu quả đời sống văn hoá, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Những đóng góp của văn nghệ sĩ LLVT giữ vai trò quan trọng trong hình thành, bổ sung, phát triển và hoàn thiện quan điểm, đường lối văn hoá của Đảng về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các giai tầng xã hội bằng những tác phẩm VHNT được hình thành từ chính các hoạt động sáng tạo…
Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát triển văn học, nghệ thuật hơn nữa trong thời gian tới. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam kiến nghị 5 giải pháp, trong đó có tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, của các ngành, các cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa, VHNT, bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ Trung ương đến cơ sở về vai trò, vị trí, quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa, VHNT. Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về lĩnh vực này. Việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực VHNT phải trên cơ sở tính chất đặc thù của nghề nghiệp, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa VHNT với đời sống chính trị - xã hội…
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ tri ân sâu sắc và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu đã đạt được trong hoạt động VHNT của đội ngũ văn nghệ sĩ gần 80 năm qua. Tổng Bí thư cũng khẳng định, kể từ khi có Đảng, có chính quyền, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ; đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, không gian phát triển VHNT, để anh chị em văn nghệ sĩ đắm mình trong đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân. Đáp lại, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự chấn hưng của dân tộc.
Với những đóng góp to lớn, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã trở thành đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố nòng cốt làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần bồi đắp nền văn hiến lâu đời, đặc sắc của dân tộc, làm rạng rỡ non sông, đất nước; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý; hơn hết, đã đi vào lòng người, trở thành hành trang tinh thần tri kỷ và quý báu của nhân dân ta.
Bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của VHNT thời gian qua; gợi mở những giải pháp quan trọng để thúc đẩy đời sống văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều thành tựu to lớn hơn trong những năm tiếp theo. Tổng Bí thư đề nghị gia tăng mạnh mẽ đóng góp, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Đội ngũ văn nghệ sĩ, phấn đấu tạo ra bộ sưu tập mới những tác phẩm để đời, bổ ích, phản ánh sinh động hiện thực giai đoạn cách mạng mới; soi đường, chiếu sáng cuộc sống, có sức mạnh lay chuyển cảm xúc, hiệu triệu toàn dân, toàn quân thực hiện chủ trương của Đảng; khơi dậy, quy tụ lòng dân, nhân lên sức dân, cùng toàn Đảng, toàn dân toàn quân, tạo thành sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao mới; tích cực đóng góp xây dựng nền văn minh nhân loại. Đội ngũ văn nghệ sĩ tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh cao cả nhất của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng là kiến tạo nhân cách văn hóa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp đổi mới sau 40 năm với thế và lực, thời cơ, vận hội, kể cả nguy cơ và thách thức đang cung cấp cho văn nghệ sĩ những chất liệu quý giá, nguồn động lực mới, nền tảng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ, cho sự ra đời những tác phẩm lớn có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng.
Tổng Bí thư yêu cầu, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ thật sự là những chiến sĩ cách mạng kiên trung trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Văn nghệ sĩ phải không ngừng bám sát nhịp sống, hơi thở của nhân dân, hòa mình cùng đất nước, dám đi vào những vấn đề gai góc, phức tạp, nhạy cảm của cộng đồng, đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo, phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội. Vốn sống của văn nghệ sĩ phải vươn ra khắp mọi miền Tổ quốc; phải đập cùng nhịp đập trái tim của Tổ quốc.
Về tác phẩm, phải có bản sắc, giá trị tư tưởng xã hội chủ nghĩa và nghệ thuật cao; phản ánh tâm hồn, phong thái, cốt cách; khơi dậy khí phách, niềm tự hào dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo tương lai; có khả năng lan tỏa đạo đức xã hội chủ nghĩa, bổ ích đối với công chúng, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn.
Nghệ thuật phải giản dị và có linh hồn, có thần, dễ hiểu, dễ thấm, dễ ngấm, đồng thời phải hay, đặc sắc, độc đáo, thu hút, lan tỏa và thuyết phục được quần chúng; vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như chủ nghĩa yêu nước, nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, vừa là tấm gương chân thực phản ánh hiện thực sống động sự bứt phá, vươn mình của đất nước, của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
“Người sáng tạo nghệ thuật phải thấu hiểu chủ trương chiến lược mà Đảng đang lãnh đạo thực hiện, thấu hiểu tình trạng đất nước, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân, trên nền tảng mỹ học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có được những tác phẩm tái hiện lại đời sống một cách giản dị chân thành; vừa cổ vũ, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vừa dám phê bình, tố cáo những mặt sai trái, không làm ngơ, bỏ qua các ngóc ngách gay cấn.
Chỉ khi nghệ thuật phản ánh hiện thực chân thực đúng đắn, nghệ thuật mới sinh sôi và có như vậy nghệ sỹ, nghệ thuật mới có công chúng, đi được vào lòng công chúng, sống được với thời gian và trở nên có giá trị”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đồng thời yêu cầu, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng VHNT. Ban Bí thư, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu triển khai có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035”; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” và nghiên cứu ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền VHNT trong kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo quản lý, tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng thực tế sôi động của đất nước; đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng của văn nghệ sĩ…
Tổng Bí thư khẳng định, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với quyết tâm, khí thế mới, niềm tin và khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường, với sự kỳ vọng lớn lao về những đóng góp từ sức mạnh chính trị tạo ra nền VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ. Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà nhất định sẽ đạt những thành tựu mới, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước và góp phần tích cực phát triển nền văn minh nhân loại.