Dân chủ ở cơ sở: Nên quy định những vấn đề liên quan trực tiếp người dân

Thứ Ba, 14/06/2022, 13:09

Thực hiện quy chế dân chủ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở. Vai trò của người dân, người lao động đã phát huy tối đa trên tất cả các lĩnh vực về dân bàn, dân biết, dân làm, dân kiểm tra, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nhân dân cần tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, để thể hiện ý chí, quyền làm chủ thể của Nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở, vai trò của người dân, người lao động đã phát huy tối đa trên tất cả các lĩnh vực về dân bàn, dân biết, dân làm, dân kiểm tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm công vụ, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ còn nhiều bất cập trong nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện khác nhau, thiếu chế tài xử lý tùy trường hợp cụ thể; vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể cũng như của người dân chưa rõ, ít được lắng nghe. Cho nên, việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là hết sức cần thiết.

nguyễn danh tú.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú phát biểu.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng mô hình Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quy định rất chung về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát theo hướng dẫn, chiếu sang các quy định có liên quan.

Do đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân; nhất là trình tự, thủ tục Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Rà soát các quy định liên quan đến nội dung công khai

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) quan tâm đến nội dung công khai và cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động; phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị rà soát lại để quy định những vấn đề thực sự cần thiết liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân; các nội dung cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Liên quan đến vấn đề công khai dự toán ngân sách cấp xã dự thầu tại Khoản 2, Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cân nhắc lại việc quy định công khai hàng quý, 6 tháng, hàng năm. Đại biểu cho rằng, quy định như thế làm mất nhiều thời gian của xã, không thực sự cần thiết. Theo đại biểu, chỉ nên quy định hàng năm công khai quyết toán ngân sách là phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc công khai danh sách đối tượng nhập ngũ cũng không cần thiết, bởi nhập ngũ trong quân đội và công an đã áp dụng theo Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật CAND.

7. mai văn hải - thanh hóa.jpg -0
Đại biểu Mai Văn Hải phát biểu ý kiến.

Về hình thức công khai được quy định tại Khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, để tránh việc công khai hình thức, đề nghị dự thảo Luật tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Đại biểu nêu ví dụ, quy định hình thức công khai thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, người phát ngôn của UBND xã trên thực tế là không phù hợp và khó có thể thực hiện. 

Theo đại biểu, thời gian qua, các địa phương cả nước tổ chức vận động với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội cho người dân thôn, xóm, bản, làng, đặc biệt là tình làng, nghĩa xóm càng khăng khít, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng đã xảy ra nhiều bất cập như do tự nguyện nên từ cử chỉ, việc làm của mỗi hộ, mỗi cá nhân chưa có sự thống nhất chung, dẫn đến việc người lao động không làm, thậm chí có người tuyệt đối không thực hiện. Vì đây là sự tự nguyện nên cần quy định dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng. Những trường hợp người dân không đồng tình tham gia hưởng ứng thì giải quyết ra sao, cũng cần định tính, định lượng cho rõ ràng để dễ dàng thực hiện.

Thu Thuỷ
.
.
.