Đại tướng Mai Chí Thọ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của lực lượng CAND

Thứ Hai, 11/07/2022, 15:44

Đồng chí Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh ngày 15/7/1922, tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong gia đình yêu nước, quê hương giàu truyền thống cách mạng đã nuôi dưỡng và thôi thúc đồng chí đến với cách mạng từ rất sớm. Mới 14 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 17 tuổi đồng chí đã vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành người chiến sĩ cộng sản nguyện cống hiến hết mình cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

1.jpg -0
Đồng chí Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Nội vụ thăm cán bộ, chiến sĩ Công an Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng, 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên cho đến khi giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Đại tướng đầu tiên của Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, ở bất kỳ vị trí công tác nào, đồng chí luôn thể hiện là người lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về từ nhà tù thực dân đế quốc ở Côn Đảo, đồng chí Mai Chí Thọ đã có nhiều năm gắn bó và công tác trong lực lượng CAND. Trải qua nhiều chức vụ, trong nhiều hoàn cảnh lịch sử, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc vai trò người lãnh đạo, chỉ huy, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh, phát huy vai trò trong thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đảm trách các cương vị lãnh đạo Công an ở Nam Bộ, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an cách mạng, tập trung đấu tranh “phá tề, trừ gian”, đánh mạnh vào chính quyền cơ sở của địch, tạo điều kiện để quân và dân trên địa bàn triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc. Những tổ chức như: Trinh sát cứu quốc đoàn, Đội trừ gian... là các đội vũ trang nhỏ, gọn, tinh nhuệ, cơ động của ngành Công an, đã phát huy vai trò trong phá thế kìm kẹp của địch, góp phần củng cố thế trận kháng chiến ở Nam Bộ.

Đó là sự sáng tạo của đồng chí trong xây dựng lực lượng Công an phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Tài năng đó còn được thể hiện khi trên cương vị là Phó Ban rồi Trưởng Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã cùng tập thể Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ tranh thủ thời cơ khi chuyển quân tập kết, trao trả tù chính trị theo quy định của Hiệp định Giơnevơ để hình thành nên mạng lưới tình báo có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khiến cho giới tình báo quốc tế hết sức nể phục.

Từ năm 1960 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên các cương vị lãnh đạo của Quân khu Miền Đông Nam Bộ, Quân khu Sài Gòn-Gia Định, đồng chí đã góp phần xây dựng lực lượng An ninh miền nam, phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng đẩy mạnh tiến công địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trên cương vị Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, vốn là nơi đầu não của chính quyền chế độ cũ, tập trung nhiều đối tượng phức tạp, nơi địch tìm mọi cách chống phá quyết liệt, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức, đào tạo lực lượng, kết hợp với lực lượng tăng cường của Bộ kịp thời trấn áp những đối tượng nguy hiểm, phá tan mọi âm mưu lật đổ chính quyền, giữ vững an ninh, trật tự thành phố trong những năm đầu mới giải phóng. Trong những năm sau đó, trên cương vị là Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí hết sức quan tâm đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an thành phố vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tháng 11/1986, đồng chí được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2/1987, đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trên cương vị người đứng đầu lực lượng Công an trong thời kỳ đầu Đổi mới, Đại tướng Mai Chí Thọ đã có vai trò to lớn đổi mới toàn diện các mặt công tác công an. Đồng chí luôn nhấn mạnh đến nhận thức toàn diện về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, nhận rõ đối tác, đối tượng; phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ xâm phạm an ninh quốc gia trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội nhằm bảo đảm giữ yên từ bên trong; ngăn chặn hiệu quả những âm mưu, hoạt động phá hoại từ bên ngoài, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững sự ổn định của đất nước, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia.

Nhằm đẩy mạnh đấu tranh trấn áp tội phạm, đồng chí đã chỉ đạo toàn lực lượng phải chủ động và liên tục tấn công bọn phản cách mạng và tội phạm khác, đánh trúng, đánh mạnh bọn đầu sỏ nguy hiểm. Đồng chí chỉ rõ: “Để tấn công địch có hiệu quả, cần nắm tình hình thật nhanh, nhạy, chính xác. Từ phát hiện tình hình, phải tổng hợp, phân tích có hệ thống, tìm ra quy luật hoạt động, địa bàn trọng điểm, các tuyến và tụ điểm hoạt động của các loại tội phạm, trên cơ sở đó mà tập trung bố trí lực lượng, xây dựng trận địa an ninh, trật tự nhằm phát huy hiệu suất cao nhất trong cuộc tấn công vào bọn chúng”(1). Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Mai Chí Thọ, ngành Công an đã tham mưu Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 135-CT ngày 14/5/1989 về “Tăng cường công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Việc tập trung tấn công tội phạm, xét xử nghiêm minh đã ngăn ngừa các hoạt động phạm tội, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân.

Đồng chí đã chỉ đạo thay đổi tư duy về công tác tổ chức để xây dựng bộ máy Công an đáp ứng yêu cầu “thực sự năng động, linh hoạt vì tình hình, nhiệm vụ chính trị cũng biến đổi theo từng thời kỳ cụ thể”(2). Trước sự biến động của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch ra sức thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an thật sự trong sạch, vững mạnh, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ nhằm bảo đảm Công an là lực lượng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Chỉ đạo kiện toàn tổ chức và hoạt động tình báo Công an, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mở cửa và hội nhập của đất nước.

Chỉ đạo nghiên cứu, đổi mới hệ thống tổ chức Đảng trong CAND; đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thành lập Đảng ủy Công an Trung ương có chức năng lãnh đạo toàn diện công tác công an, là cơ sở để ngày 30/8/1990, Bộ Chính trị ra Quyết định số 110-QĐ/TW thành lập Đảng ủy Công an Trung ương-Quyết định có tính lịch sử nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an và càng hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngày càng sâu sắc.

Chỉ đạo từng bước xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng của Ngành hoạt động. Vạch ra hướng đi chiến lược, tạo bước phát triển mới cho khoa học công an thực hiện được yêu cầu “xây dựng luận cứ khoa học cho các quyết định lớn của Bộ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, từ định hướng chiến lược đến chính sách, đối sách, chủ trương công tác lớn”(3). Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chú trọng phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng được thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở, phát huy sức mạnh của nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng sâu rộng, trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là với Quân đội nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Đồng chí đã cùng với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CAND lập nên nhiều chiến công. Với tư duy chiến lược, khả năng nắm bắt thực tiễn cao, đồng chí “đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh của Tổ quốc, làm nên những chiến công đặc biệt xuất sắc và những truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam” (4). Ghi nhận và tôn vinh công lao của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã tặng đồng chí Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nguyện phát huy tinh thần kiên định và sáng tạo, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí; vận dụng những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, “lá chắn thép” vững vàng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(1) Mai Chí Thọ, Mấy vấn đề cấp bách về công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Khoa học và Kỹ thuật - Bộ Nội vụ, 1989, tr.9.

(2) Mai Chí Thọ, Mấy vấn đề đổi mới công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Khoa học và Kỹ thuật - Bộ Nội vụ, 1/1989, tr.23.

(3) Đại tướng Mai Chí Thọ, Đổi mới toàn diện các mặt công tác công an theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nxb CAND, 2015, tr.289.

(4) Điếu văn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tại lễ truy điệu Đại tướng Mai Chí Thọ ngày 5/6/2007, Báo Sài Gòn giải phóng ngày 6/6/2007.

Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an
.
.
.