Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là sự lãng phí đất đai, nguồn nhân lực; lãng phí trong y tế, giáo dục, doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra lãng phí, tiêu cực.
Chiều 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là sự lãng phí đất đai, nguồn nhân lực; lãng phí trong y tế, giáo dục, doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra lãng phí, tiêu cực. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình.
Cần tăng cường răn đe trong thực thi Luật Đất đai
Quan tâm đến lãng phí trong lĩnh vực đất đai, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, vi phạm pháp luật đất đai còn diễn biến phức tạp, xảy ra phổ biến trong hoạt động chủ yếu như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị tăng cường hơn nữa tính răn đe trong việc thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn, kể cả công tác kiểm tra trước khi tổ chức thực hiện nghiên cứu, xem xét để bổ sung các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia trực thuộc cơ quan Trung ương đóng tại địa phương…
Đổi mới phương thức, phương tiện kỹ thuật thực thi pháp luật đất đai như ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, hệ thống kiểm tra tài nguyên đất đai di động; đồng thời phải cải cách toàn diện, có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền địa phương thông qua việc thực thi pháp luật đất đai.
Quan tâm đến trách nhiệm để xảy ra lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chỉ ra rằng, ở rất nhiều địa phương chứ không chỉ riêng địa phương nào còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.
Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các Bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không? Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan Nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.
Thu hút người tài vào khu vực công
Quan tâm đến lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực gây thất thoát lớn. “Trong báo cáo đã đánh giá về sự tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hầu hết đều xuất phát từ con người do người đứng đầu, người tham mưu chưa chú trọng, chưa quyết liệt, chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước đã gây lãng phí, thất thoát, sử dụng nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng đến đất đai, tài nguyên khoáng sản” – đại biểu nêu và cho rằng, khu vực công là nơi xây dựng chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là nơi điều hành và quản trị đất nước, sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vì thế, phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có năng lực và đạo đức nghề nghiệp phục vụ Nhân dân, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để đảm bảo rằng mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận các dịch vụ, tiếp cận với điều kiện phát triển kinh tế xã hội công bằng như nhau. Do vậy, việc giữ chân người tài ở khu vực công hết sức cần thiết; đồng thời đề nghị, cần nghiên cứu và tìm cách thu hút người tài vào khu vực công.
Cũng quan tâm đến phòng chống lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển. Công tác tinh giản biên chế còn chưa thật sự đạt được hiệu lực thực tế. Chủ trương tinh giản là đúng, tuy nhiên hiện nay, việc tinh giản được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.
Đại biểu đề nghị cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách thu hút sử dụng nhân tài trong bộ máy Nhà nước nói chung, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia.
Cụ thể, đại biểu cho rằng cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Trong cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc.
Ngăn chặn lãng phí trong giáo dục, y tế
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là lãng phí trong giáo dục, y tế. Cụ thể, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục rất lớn. Trên thực tế đã xảy ra nhiều lãng phí như phân bổ nguồn vốn, giải ngân chậm việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án đại học trực thuộc trên phạm vi cả nước còn chậm; nhiều dự án ký túc xá không hiệu quả, việc in ấn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, lãng phí.
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước lĩnh vực giáo dục trong báo cáo hoặc trong dự thảo nghị quyết, chỉ rõ những hạn chế, bất cập để thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm cho thực hiện trong thời gian tới.
Quan tâm đến lãng phí trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khi nói về đầu tư cho y tế, báo cáo kết quả giám sát nêu việc mua sắm tập trung không hiệu quả, không kịp thời không đáp ứng yêu cầu công việc.
Cho rằng đây là nhận định rất đúng, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trong quá trình sửa đổi luật có liên quan các cơ quan chú ý vấn đề này. Hay báo cáo có nêu số vốn đầu tư công của y tế được phân bổ không sử dụng hết, hủy dự toán chuyển nguồn hàng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng nhưng việc theo dõi quản lý thì còn lỏng lẻo. Đại biểu cho rằng đây là kết luận rất đúng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm giải quyết.
Nêu giải pháp về thiếu hụt nhân lực trong y tế, giáo dục, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) kiến nghị Chính phủ có những giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết những bất cập tồn tại như trên, nhất là việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục và có cơ chế chính sách riêng, đặc thù về chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ cho cán bộ y tế, giáo dục.
Ai chịu trách nhiệm về tồn tại, thất thoát, lãng phí?
Truy trách nhiệm về việc để xảy ra tồn tại, thất thoát, lãng phí, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) nhận định thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay.
Đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về các giải pháp khắc phục hiệu quả từ công tác giáo dục, nâng cao ý thức đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. “Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?” – đại biểu đặt câu hỏi và bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm…
Quan tâm đến trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu cụ thể các công trình gây lãng phí, thất thoát như dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua ba nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, ba nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành. 119 hộ dân vùng lòng hồ của dự án thuộc bản Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản phát triển sản xuất, hàng năm lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện. Dự án hồ chứa nước Ka Pét tỉnh Bình Thuận chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019 mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn…