Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm công trình xây dựng sai phép, quy hoạch "treo"
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều 3/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm đến vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, tình trạng quy hoạch "treo", xây dựng không phép, sai phép, gây lãng phí nguồn lực xã hội, bức xúc trong dư luận...
Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự quy hoạch xây dựng là xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm hoặc có những hành vi dung túng, bao che. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Bộ đã xây dựng và ban hành quy định nào về vấn đề này chưa?
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch còn diễn biến phức tạp, tình trạng quy hoạch "treo" và không ít nơi "treo bền vững", gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận, người dân "sống trong chờ đợi mỏi mòn". "Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp của Bộ Xây dựng và cá nhân Bộ trưởng để giải quyết căn cơ vấn đề này?", đại biểu chất vấn.
ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) đề cập tình trạng xây dựng không phép, sai phép, xây nhà trên đất nông nghiệp, đất không được phép xây dựng; vài vụ việc được xử lý khá nhanh, tuy nhiên một số vụ lại xử lý khá chậm gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục?
Cũng liên quan vi phạm về trật tự xây dựng, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho biết, có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu mà Thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình, cao ốc ngay mặt đường nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện ra. Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không? Giải pháp của Bộ để mọi vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã có báo cáo đầy đủ gửi Quốc hội về tình trạng vi phạm trật tự quy hoạch xây dựng. Về xử lý hành vi vi phạm đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 16 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Liên quan đến xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các vi phạm về xây dựng là vi phạm rất khó khắc phục hậu quả, do đó giải pháp phát hiện, khắc phục, phòng ngừa là giải pháp ưu tiên. Theo Bộ trưởng, pháp luật về quản lý trật tự xây dựng tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo báo cáo mới đây, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm hàng năm…
"Chúng ta đã có quy định tương đối đầy đủ, đảm bảo việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, chế tài rất rõ" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định và thừa nhận, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện; tăng cường quản lý hoạt động xây dựng đảm bảo đúng quy định. Bộ cũng phải có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật, hướng dẫn các địa phương bảo đảm yêu cầu có liên quan trong đầu tư xây dựng.
"Thời gian tới, tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, khả thi hơn, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng" - "Tư lệnh" ngành Xây dựng nêu giải pháp.
Nguồn cung bất động sản tiếp tục khó khăn, nhất là phân khúc thu nhập thấp
Giải đáp câu hỏi ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về dự báo xu hướng bất động sản tại Việt Nam thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với phân khúc nhà ở thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân còn rất lớn.
Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra: hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…