Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm Bộ trưởng khi ô nhiễm ngày càng tăng
Đại biểu Quốc hội truy, có chắc chắn rằng hàng nghìn khu vực cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá là đúng quy định không? Có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ đang do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản hay không?
Ngày 4/6, tại phiên chất vấn – trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là ô nhiễm môi trường và giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế; đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) chất vấn về xử lý nước thải và chất thải; đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) chất vấn về giải pháp để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường; đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) chất vấn giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) và Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chất vấn về giải pháp ngăn chặn ô nhiễm hệ thống sông ngòi như sông Bắc Hưng Hải, sông Đáy, sông Nhuệ; đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi về cơ chế tài chính cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng, bởi đầu tư công quan tâm đến công tác thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa; việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành; nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng thông tư, dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị.
Về quản lý nguồn nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thế: nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng và sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành… Về thể chế chính sách, Bộ trưởng cho rằng, cần có sự hợp tác công tư để đảm bảo nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhập và kiểm tra xử lý vấn đề này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu.
Về ô nhiễm các dòng sông, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, các địa phương cần chung tay đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, trước khi thải ra các dòng sông. Bên cạnh đó, cần tạo dòng chảy tự nhiên cho các dòng sông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời khẳng định, vừa qua, Bộ đã trình Quốc hội xem xét Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trong đó có nhấn mạnh đến bảo vệ lưu vực sông.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Đề án về bảo vệ lưu vực sông. Trong Đề án nhấn mạnh đến đảm bảo an ninh nguồn nước, trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc thành lập Tổ chức lưu vực sông phải hiệu quả nên rất cần sự phối hợp của các địa phương... Chủ tịch UBND tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông, với trách nhiệm chỉ đạo, điều hành địa phương đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nguồn nước có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm quản lý khi ô nhiễm môi trường ngày càng tăng
Nghe câu trả lời của Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường về việc hồi sinh các "dòng sông chết", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) giơ biển xin tranh luận. Đại biểu muốn hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm quản lý khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. “Bộ trưởng nói việc này cần thời gian và nguồn lực, nhưng cần bao nhiêu năm nữa? Nguồn lực xử lý tổng thể ô nhiễm thế nào, vì vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm. Đại biểu phản ánh tình trạng “càng ngày càng ô nhiễm”, Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng càng phát triển, những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn. “Cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống. Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Tồn đọng trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) chất vấn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua các cơ quan đã cố gắng thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản, với kết quả đã đấu giá ở 837 khu vực có mỏ.
“Khoáng sản là tài sản công, phải tăng cường đấu giá để tăng ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh và cho biết, để đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tham mưu, cố gắng quy định tiêu chuẩn, điều kiện trong luật về đấu giá khoáng sản, ưu tiên nguồn lực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đánh giá được trữ lượng.
Cũng cho rằng cần thiết phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, Bộ trưởng chưa đề cập đến thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay. “Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, còn nhiều tồn đọng trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn thực trạng, trách nhiệm và giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế tiêu cực của những vấn đề trên nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản, sau 13 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép. Bộ trưởng cho biết, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động. Bởi khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối. Vì vậy, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế.
“Truy” về hàng nghìn khu vực cấp quyền khai thác khoáng sản không qua đấu giá
Tranh luận với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) dẫn số liệu trong 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành cấp khoảng 3.000 giấy phép nhưng chỉ có hơn 800 khu vực thông qua đấu giá. Tỷ lệ cấp quyền thông qua đấu giá thấp dù khi đấu giá, giá tăng 20-40% so với khởi điểm.
“Vậy theo Bộ trưởng, có chắc chắn rằng hàng nghìn khu vực cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá là đúng quy định không? Có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ đang do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản hay không?"– đại biểu nêu.
Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết theo Nghị định 158, có 7 nội dung khoáng sản thiết yếu, chiến lược không qua đấu giá, ví dụ như để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta đang giao Tập đoàn Than khoáng sản thực hiện khai thác mỏ than. Thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường hầu như là cấp phép cho 7 nội dung này (không qua đấu giá). Do đó, có tình trạng con số Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép không qua đấu giá cao.
Về ý kiến đem đấu giá các mỏ do doanh nghiệp Nhà nước thăm dò, Bộ trưởng cho biết, các mỏ mà doanh nghiệp Nhà nước đã thăm dò thì chắc chắn sẽ có được ưu tiên cấp phép khai thác. Trường hợp doanh nghiệp thăm dò không làm nữa thì phải báo cáo để Nhà nước thu hồi và tổ chức đấu giá.