Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý tình trạng "thầu tặc", lũng đoạn thị trường bất động sản
Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất thường của bất động sản, trúng thầu bỏ cọc để lũng đoạn thị trường, không để một nhóm đối tượng tư lợi, khiến người dân không mua được nhà ở.
Ngày 28/10, tại phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, vấn đề mà rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đó là tình trạng tăng giá bất thường của bất động sản, trúng thầu bỏ cọc để lũng đoạn thị trường. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, không để một nhóm đối tượng tư lợi, khiến người dân không mua được nhà ở.
Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, thời gian vừa qua, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
“Nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng sau một thời gian vất vả tìm kiếm mua nhà đến nay đã phải tạm gác lại ý định này, bởi sự tăng giá đột biến của bất động sản, nhất là chung cư. Không chỉ là các chung cư cao cấp, chung cư mới, kể cả các chung cư cũ giá cũng tăng vọt. Nhiều căn hộ chung cư đã được đưa vào sử dụng vài thập kỷ nhưng cũng được giao dịch với giá tăng gấp đôi, gấp 3 so với thời điểm bàn giao trước đây. Với nhu cầu tăng cao như vậy, dẫn đến hàng nghìn hộ dân đang sở hữu căn hộ chung cư hiện nay thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi bán nhà. Bên cạnh đó, câu chuyện đấu giá đất tại một số huyện ven đô của Hà Nội cũng nóng hơn bao giờ hết. Với một số phiên đấu giá được tổ chức xuyên đêm ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận "ăn chực nằm chờ" để đấu được xuất đất, giá trúng cũng cao kỷ lục. Giá đất ở huyện ven đô nhưng cũng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng. Có thể thấy, giá đất tại một số thành phố thời gian vừa qua liên tục thiết lập các mặt bằng mới. Giá đất này đang vượt xa so với thu nhập của đại bộ phận người dân” – đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nói về tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá, đồng thời dẫn chứng đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng, khẳng định tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua. “Trên thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi. Thủ đoạn của nhóm người này thường sử dụng là đẩy giá đất lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, đến thời gian nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc với mục đích nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho những mảnh đất trong khu vực mà họ đã mua gom trước đó và đã thu được siêu lợi nhuận” – đại biểu chia sẻ.
Đại biểu cho biết thêm, việc giá tăng còn do tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, thậm chí còn vay mượn các khoản còn thiếu để mua bằng được mảnh đất, để đó chờ tăng giá rồi bán…Tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá đang dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó có thể mua được trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, không ít người có tiền lại đang găm vào đất với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận. Các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ kiến nghị 3 nội dung để kiểm soát tình trạng trên, trong đó, kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cho rằng, giá nhà ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang lên rất cao, ngày càng vượt xa tầm tay với nhu cầu ở thực của những người dân và tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. “Để giải quyết tình trạng này, có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản, bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà” – đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, giá trúng đấu giá ở Hà Nội vừa qua là bất thường. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra ở Hà Nội, tại huyện Thanh Oai và thấy có tới 56/68 lô đất trúng giá rất cao và người trúng thầu đấu giá cao này không thể nộp tiền và có dấu hiệu bỏ cọc. Đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và chúng ta cần phải nghiêm trị” – đại biểu nêu. Ông đồng thời đề nghị tăng giá đặt cọc để tránh “thầu tặc”; thứ hai là tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc; thứ ba là chúng ta cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực, ví dụ như đấu giá vật liệu xây dựng thì chúng ta không cho họ đấu nữa, có như vậy chúng ta mới hạn chế được các trường hợp này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) tranh luận cho rằng, phải thêm điều kiện về những người tham gia đấu giá. Cụ thể, đó là phải có minh chứng về việc anh phải có tiền để mua được tài sản đấu giá bằng việc sao kê tài khoản ngân hàng, có sổ đỏ.
“Pháp luật quy định anh đã bỏ giá, sau này bỏ cọc thì anh sẽ bị xử lý bằng tài sản của anh có tương đương với giá trị giá và lúc đấy anh trả giá cao lên bao nhiêu cũng được nhưng anh bỏ giá đi thì tài khoản ngân hàng, sổ đỏ của anh sẽ bị đưa ra tòa và phong tỏa để xử lý. Như vậy, sẽ đạt được lợi ích là những người không có tiền nhưng tham gia đấu giá chỉ để mục tiêu mua xong rồi bán lại thì sẽ không có đủ điều kiện để minh chứng, không tham gia được và những người nào thực sự mong muốn mua bất động sản này để dùng thì người ta sẽ chứng minh được ngay. Qua đó, chúng ta lọc được những người đấu giá là những người thực chất đang muốn mua và đặc biệt là những người trả giá cao rồi bỏ cọc thì chắc chắn sẽ bị xử lý tài sản đó với một giá trị rất lớn và sẽ ngăn chặn được việc đấu giá cao rồi bỏ cọc như thời gian vừa qua” – đại biểu kiến nghị.