Đại biểu Quốc hội hiến kế để tránh lãng phí sách giáo khoa

Thứ Năm, 02/06/2022, 09:42

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, mô hình này thư viện sách giao khoa sẽ giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học, sách dùng được nhiều lần đỡ lãng phí.

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, tích cực và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đang có sự chậm trễ đáng kể trong việc triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội vì nửa năm trôi qua từ khi Nghị quyết được ban hành nhưng nhiều việc vẫn đang dừng ở việc "sẽ ban hành văn bản" trong tháng 5 năm 2022.

Đề nghị nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa miễn phí  -0
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga.

"Nghị quyết có hiệu lực thi hành trong 2 năm, nên nếu chậm trễ trong triển khai chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KTXH phát huy hiệu quả cao nhất" - bà nhấn mạnh và lấy ví dụ chương trình "sóng và máy tính cho em", mục đích kịp thời trang bị cho học sinh học trực tuyến khi dịch COVID-19 phức tạp, nhưng đến khi học sinh đã trở lại trường thì mới có 1 tỉnh trao được máy tính đến tay các em.

Về sách giáo khoa (SGK) phổ thông, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ tán thành với các giải pháp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra trong phiên họp hôm qua, với các biện pháp giảm giá sách khá khả thi. Tuy nhiên, bà đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm có những biện pháp hữu hiệu quản lý giá SGK - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện tạo dư luận không tốt trong Nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát và tinh giản SGK theo hướng: thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học; ngoài số SGK bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu. Bởi vì, hiện nay số lượng đầu sách SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều, trong đó có những cuốn mang tính chất là sách tham khảo, nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào.

Đề nghị nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa miễn phí  -0
ĐBQH Thái Văn Thành.

"Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư ấy, học sinh sẽ được mượn SGK miễn phí hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ gánh nặng cho kinh tế các gia đình vùng khó khăn", ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm.

Đồng tình với ý tưởng trên, ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) đề cập thực tiễn ở địa phương, Nghệ An có 11 huyện miền núi, đặc biệt là có 6 huyện miền núi cao rất khó khăn, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện SGK trên phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. "Trong đó, tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường, rồi chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản tặng SGK cho nhà trường; kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại SGK để xây dựng thư viện", ông cho biết.

Đại biểu đánh giá việc làm này có ý nghĩa giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học, sách dùng được nhiều lần đỡ lãng phí, và đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước.

An Quỳnh
.
.
.