Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy

Thứ Tư, 28/08/2024, 10:23

Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Phòng cháy chữa, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm.

Ưu tiên thỏa đáng nguồn lực tài chính để mua sắm phương tiện hiện đại

Thảo luận về dự án Luật PCCC&CNCH tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, sáng 28/8, góp ý về chế độ, chính sách cho lực lượng PCCC&CNCH, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị dự thảo luật nên xem xét nghiên cứu, bổ sung thêm cụm từ "bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị" vào trước cụm từ lực lượng PCCC&CNCH bám sát địa bàn cơ sở. Bởi, nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị sẽ rất khó khăn để thực hiện công tác PCCC tại cơ sở.

Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy -0
Đại biểu Đặng Bích Ngọc thảo luận tại hội nghị.

"Thực tiễn thời gian qua cho thấy, yêu cầu của công tác CNCH, dập tắt đám cháy là phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải dũng cảm, quyết đoán, trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm cao, rủi ro với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và của Nhà nước. Tuy nhiên, công tác PCCC ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong, rất khó khăn. Mặt khác, thực tế phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác PCCC&CNCH được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi hiện nay", đại biểu phân tích; đồng thời, đề nghị cần tập trung đầu tư phương tiện PCCC đến các huyện, ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã.

Đối với những thiết bị PCCC thiết yếu, ĐBQH tỉnh Hoà Bình đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC, CNCH. Theo đó, quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. "Đồng thời cần có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, đầu tư trang thiết bị, những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả những trang thiết bị là máy bay nhằm phục vụ tốt cho việc đảm bảo hiệu quả công việc PCCC, CNCH", bà dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy -0
Đại biểu Tô Ái Vang thảo luận tại hội nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề cập tình trạng xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm.

"Những nơi xảy ra cháy thường là những khu dân cư xuống cấp dịch vụ karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy, nhà ở, ngõ hẻm, ngách, nơi chứa chất dễ cháy, là nơi chữa cháy rất là khó khăn. Tôi đề nghị các quy định nên phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy, nổ và đối với các loại hình này cần quy định khắt khe về PCCC. Còn đối với các cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về phòng cháy an toàn dễ hơn, sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân", đại biểu hiến kế.

Điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng sự phát triển nhanh của đô thị

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, thời gian qua ở một số thành phố lớn có nhiều vụ cháy nhà chung cư cao tầng, gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở chung cư cao tầng. Theo bà, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.

Các quy định PCCC bắt buộc cần tuân thủ khi thiết kế các công trình cao tầng tại Việt Nam gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị, PCCC nhà cao tầng; yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này chưa được các chủ đầu tư tuân thủ một cách đầy đủ, trong khi công tác an toàn cháy phải lấy yêu cầu phòng cháy là cơ bản, trọng tâm, với phương châm "phòng cháy hơn chữa cháy".

Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Trên thực tế, một số nơi thiết kế tầng hầm không có, hoặc là có hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn nhưng không hoàn chỉnh. Một số công trình tại các lối ra vào, tầng hầm dùng các hệ thống cửa sắt xếp hoặc cửa cuốn, nên khi xảy ra cháy hệ thống điện bị cắt sẽ gây khó khăn trong việc thoát nạn hoặc chữa cháy. Nhiều dự án nhà chung cư cao tầng không tuân thủ nguyên tắc về lối thoát nạn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Không nhiều người dân hiểu rõ cấu tạo của hệ thống điều áp cầu thang thoát hiểm, dẫn đến khi có cháy, các cầu thang đang các cầu thang thoát hiểm vô hình chung trở thành nơi hút khói, cản trở lối thoát nạn, gây ra thương vong cho con người...

Từ đó, bà kiến nghị, Chính phủ sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng. "Cụ thể, cần tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng PCCC&CNCH, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm", đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh thêm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy -0
Quang cảnh hội nghị.

Dẫn điểm a, khoản 2, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các gia đình có nhiều phương tiện, dụng cụ có khả năng chữa cháy khi hỏa hoạn xảy ra, do vậy, dự thảo luật cần nêu rõ hơn để các hộ gia đình dễ tổ chức thực hiện; tránh việc lạm dụng, phải mua hết các phương tiện mà cơ sở dịch vụ cung cấp.

Về phòng cháy đối với phương tiện giao thông, đại biểu đề nghị cần nêu rõ vận tải hành khách trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) khi tham gia giao thông phải trang bị phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, nếu là loại xe tương tự của gia đình thì có quy định theo luật này hay không, điều này cần được làm rõ.

Đồng tình với nội dung Điều 21 dự thảo luật quy định về thành lập lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, hoặc lực lượng PCCC&CNCH chuyên ngành theo quy định của pháp luật, song theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, cần làm rõ cơ sở nào phải thành lập, cơ sở nào không thành lập; bởi, nhiều hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh rất đơn giản nên việc tập hợp lực lượng để thành lập một đội PCCC&CNCH cơ sở sẽ khó khả thi...

Quỳnh Vinh - Vũ Linh
.
.
.