Đại biểu nói về sự cần thiết của các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội

Thứ Tư, 26/04/2023, 19:25

Chiều 26/4, Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo nhằm giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp về các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Nai, các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị tỉnh Đồng Nai, cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an...

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, hội thảo là sự cần thiết nhằm góp phần xây dựng, mục đích quan điểm, định hướng và nội dung cơ bản của 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023.

Các dự án luật được giới thiệu tại hội thảo gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sự cần thiết ban hành, nội dung các chính sách trong các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hiểu đúng và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức và nhân dân địa bàn tỉnh Đồng Nai và trong lực lượng Công an tỉnh. Hội thảo cũng mong muốn cung cấp thông tin cho Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai nhằm tạo sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý cũng như  tập hợp, báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ Công an ý kiến góp ý của các đại biểu để chỉ đạo các đơn vị chức năng bổ sung vào nội dung tờ trình báo cáo Chính phủ về các dự án luật.

Đại biểu nói về sự cần thiết của các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì và phát biểu tại hội thảo. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung làm rõ thêm một số cơ sở thực tiễn của 5 dự án luật trên. Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, sửa luật, xây dựng 5 dự án luật trên phải phù hợp với hệ thống pháp luật, làm sao để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của lực lượng Công an. Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị, ngoài ý kiến tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục góp ý vào 5 dự án luật nêu trên, chú ý những nội dung xuất phát từ thực tiễn đặt ra.

Đóng góp ý kiến về các dự án luật, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng, về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì những đóng đóng góp của lực lượng này trong thời gian qua trong việc đảm bảo ANTT tại cơ sở đã được ghi nhận. Bởi đây là lực lượng sâu sát với dân, thường xuyên nắm bắt được tình hình tại cơ sở, là cầu nối quan trọng trong phát hiện tội phạm để báo cho Công an cũng như  hỗ trợ phối hợp với lực lượng Công an trong tấn công, trấn áp tội phạm. Ngoài ra đây còn là lực lượng tham gia tích cực vào các phong trào thi đua tại cơ sở. Tuy vậy, còn có sự bất cập là chế độ còn hạn chế, năng lực phối hợp mang tính manh mún nên khó tính ổn định, biên chế khó sắp xếp cho lực lượng bán chuyên trách. Do đó theo ông Tuấn cần thiết phải cụ thể hóa bằng luật để xác định trò trách nhiệm và quyền lợi chính đáng của lực lượng này.

Đại biểu nói về sự cần thiết của các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội -0
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang nói về sự cần thiết của 5 dự án luật tại hội thảo.

Về luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, bà Đặng Thanh Thủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Nai cho rằng, việc góp ý hoàn thiện về luật này nhằm điều chỉnh những bất cập tồn tại phát sinh trong thực tiễn hiện nay là rất cần thiết. Cũng theo bà Thủy thì luật này cũng sẽ góp phần trong việc thực hiện các thủ tục một cách công khai minh bạch, nhất là trong việc cấp các giấy tờ liên quan cũng như cách quản lý tránh được một số chồng chéo như thời gian gần đây.

Đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Quang Bình, Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: Việc cụ thể hóa 2 lĩnh vực của luật này là cần thiết để tránh chồng chéo và phát huy tối đa hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ.

Cùng quan điểm này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng,  cần cụ thể hóa đối với luật này để phù hợp với thực tiễn. Luật GTĐB ban hành từ năm 2008 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nhất là khi phương tiện ô tô của nước ta đã tăng lên gần 6 triệu chiếc, hệ thống giao thông cũng đã có nhiều thay đổi mang tính đột phá so với năm 2008. Trong lúc đó phân cấp, phần quyền các địa phương và các ngành vẫn còn nhiều bấp cập.

Đại biểu nói về sự cần thiết của các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội -0
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông góp ý với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bà Lưu Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai góp ý, về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, trong đó việc nâng tuổi hưu đối với lực lượng Công an. Bà Hà đồng tình cao với việc điều chỉnh tuổi hưu cũng như lộ trình thực hiện. Bởi điều này sẽ phát huy được nhiều mặt nhất là không để phí vốn quý kinh nghiệm đến độ chín của lực lượng Công an. Về vấn đề sức khỏe, thực tiễn cũng đã chứng minh tuổi thọ trung bình của người dân nói chung và lực lượng Công an nói riêng ngày càng được tăng lên. Do đó đa số những người trong độ tuổi nghỉ hưu cũ hiện nay vẫn đang có thể tiếp tục phục vụ, cống hiến được cho ngành.

Ngọc Sơn
.
.
.