Đại biểu lo ngại Luật Dầu khí (sửa đổi) không còn chương nào về thanh tra, xử lý vi phạm
Khẳng định dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị Luật cần bổ sung một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Sáng 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn An (Thái Bình) dẫn báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là trung nguồn, hạ nguồn dầu khí và cả tình trạng xăng.
"Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, tuy nhiên tôi thấy cần phải làm rõ và cụ thể hơn. Ví dụ như đang thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nào và sắp tới có kiến nghị gì không? Nếu các nội dung này quá rộng so với phạm vi dự án luật phải xem xét, có báo cáo chuyên đề riêng gửi tới ĐBQH", đại biểu nói và cho rằng, chính những vấn đề thực tế cuộc sống liên quan đến quốc kế, dân sinh như giá xăng dầu đang được Nhân dân, cử tri hết sức quan tâm, lo lắng.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định các loại kế hoạch.
"Vấn đề thẩm định rất quan trọng, đi kèm việc kiểm tra, giám sát các mỏ, bao gồm cả các mỏ đã được thu dọn, bởi nếu rò rỉ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường", ông lý giải và đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết vì hầu như các mỏ đều nằm ở ngoài biển xa, muốn tới đó để kiểm tra, để khảo sát cũng rất khó khăn, không thuận tiện như trên đất liền.
Theo ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội), công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, bảo đảm an toàn môi trường. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng, bảo đảm giá trị vốn có, làm nguyên liệu và nhiên liệu.
"Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của nhà nước nhưng phải bảo đảm tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư. Điều cần đặc biệt quan tâm là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước", đại biểu đề cập.
Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị, Việt Nam cần có một chiến lược về dầu khí như là một công cụ hữu hiệu để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, tránh những cú sốc lớn về dầu khí thế giới khi mà năng lượng tái tạo chưa đủ năng lực để thay thế. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc, đặc biệt là chủ quyền trên biển.
Theo ông, nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển ngành dầu khí, đóng góp ngày càng quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh Tổ quốc.
"Trong đó, phát triển công nghiệp dầu khí là phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối, xuất nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm chế biến từ dầu khí", đại biểu nhấn mạnh.
Ông đề nghị, phạm vi điều chỉnh Luật Dầu khí lần này cần được mở rộng với nội hàm đầy đủ trên đây chứ không chỉ dừng lại giới hạn bó hẹp trong cách tiếp cận cũ, tư duy cũ và phạm vi điều chỉnh cũ cách đây đã gần 30 năm.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, phải làm sao tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh quốc phòng và trong luật thì việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần rõ ràng.
Nêu thực tế trong Luật Dầu khí năm 1993 dành 2 chương (Chương VII và Chương VIII) đề cập đến công tác thanh tra, xử lý vi phạm, nhưng sang luật sửa đổi lần này "không còn chương nào hết", ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị bổ sung một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
"Vì dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và còn góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh", ông nhấn mạnh thêm.