Đà Nẵng đổi mới để đạt mục tiêu là thành phố đáng đến và đáng sống

Thứ Hai, 27/06/2022, 14:52

Đó là khẳng định của ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng tại Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" diễn ra vào hôm nay 27/6.

Tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” các chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng Đà Nẵng hiện mới là thành phố đáng đến chứ chưa phải thành phố đáng sống.

Đà Nẵng: Đổi mới để đạt mục tiêu là thành phố đáng đến và đáng sống của khu vực và thế giới -0
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng:  Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống. 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định: "Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới. Điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạn tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian đến”

Bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 được công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo); Copenhagen (Đan Mạch); Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Úc), Osaka (Nhật Bản)...

Thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng nói trên, nhưng nhìn vào những tiêu chí đánh giá của tạp chí Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh…, Đà Nẵng cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống", ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.

Đã từ lâu, Đà Nẵng luôn biết đến là một thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư. Nhưng trong bối cảnh mới, khi Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, Y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước, Đà Nẵng cần “làm mới” để đón cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không để tụt lại phía sau. 

Đà Nẵng: Đổi mới để đạt mục tiêu là thành phố đáng đến và đáng sống của khu vực và thế giới -0
Các chuyên gia cho rằng, để giữ vững ngôi vương về du lịch lẫn đầu tư, Đà Nẵng phải có sự đổi mới mạnh mẽ, phải phát triển du lịch một cách toàn diện.
Đà Nẵng: Đổi mới để đạt mục tiêu là thành phố đáng đến và đáng sống của khu vực và thế giới -1
Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tham luận của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo đã cho rằng, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các đại bàng, các nhà đầu tư với các dự án lớn, đẳng cấp, dấu ấn.  

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí…

Bên cạnh đó, nói về các sự kiện quy mô về lễ hội văn hóa, giải trí, các giải đấu quốc tế, các hội nghị MICE quốc tế, TS Trần Đình Thiên dẫn dụ: Năm 2017 Đà Nẵng là nơi tổ chức APEC. Và nhiều người còn nhớ có hai ba năm khoảng 2016 đến 2018, Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế quy mô tới 2 tháng do Sun Group tài trợ và đồng tổ chức, nhưng rồi lại dừng và tới giờ vẫn chưa thấy có dấu hiệu trở lại. Mà để biến Lễ hội pháo hoa thành thương hiệu thì cần có cơ sở hạ tầng riêng cho Lễ hội này, từ khán đài, sân khấu, đến các khu dịch vụ phụ trợ. Cái này là nhiều điểm đến pháo hoa đã làm và Đà Nẵng phải làm được như thế.

Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, có Cầu Vàng. Thế nhưng hai ba năm Cầu Vàng tất nhiên vẫn “hot”. Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên Bà Nà nữa, và người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế.

Chính vì thế, cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen, có  như thế thì du khách mới trở lại, chứ không để họ đến một lần rồi thôi. Cái này thì nhiều địa phương đều cần, nhưng Đà Nẵng lại cần phải có những đại bàng khỏe nhất, mạnh nhất. Phải lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…

Trong đó khẳng định, Đà Nẵng cần làm gì để giữ vững ngôi vương về du lịch lẫn đầu tư trong bối cảnh nhiều năm qua bị tác động bởi COVID-19 và tác động từ sự trỗi dậy của những thị trường mới năng động khác.

Hiến kế giúp Đà Nẵng trở thành “tổ ấm” của những “đại bàng” lớn, PGS.TS Trần Đình Thiên gợi mở, bây giờ rất nhiều địa phương sẵn sàng dọn tổ mời đại bàng. Có đại bàng mới tạo ra cảm hứng phát triển mới, sức bật mới… Kế sách duy nhất để hấp dẫn đại bàng là cơ chế: cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ đến có cái lợi lớn…  

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), Đà Nẵng có tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú nên cần được tối ưu hóa để tạo ra bản sắc riêng với cảnh quan biển - sông - núi - rừng. Điều này phải trở thành tầm nhìn quy hoạch, là kim chỉ nam để phát triển đô thị, tạo thương hiệu đô thị cho Đà Nẵng.

"Đà Nẵng hướng tới phát triển đô thị trung tâm, đô thị nén để tiết kiệm đất đai, hạ tầng xen kẽ các khoảng không gian mở trong đô thị là không gian công cộng, cây xanh. Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển như Úc, Singapore, Mỹ và các quốc gia châu Âu…", KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng Giám đốc Sun Property (thành viên Sun Group) chỉ ra những điều nghịch lý, chẳng hạn: Đà Nẵng có những công viên giải trí đẳng cấp, nhưng lại thiếu những công viên phục vụ nhu cầu dân sinh cho người dân; có dịch vụ hài lòng khách thập phương, nhưng lại thiếu chốn an cư với tiện ích đồng bộ cho người Đà thành, và cả cho những trí thức từ Hà Nội, TPHCM…, hay các chuyên gia nước ngoài đến đây; là thành phố của những dòng sông, nhưng lại thiếu những khu đô thị đẳng cấp ven sông. Sun Property dự định cải tạo cảnh quan của quỹ đất ven sông, kiến tạo nên những khu đô thị ven sông đẳng cấp, bài bản, đồng bộ, góp phần nâng tầm diện mạo Đà thành trong thời gian tới. 

Hoài Thu
.
.
.