Củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc - "Thượng sách" để giữ nước "từ khi chưa nguy"
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nhờ có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, sự quán triệt thực hiện sâu sắc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm", "từ xa" được xây dựng, củng cố vững chắc. Đó cũng chính là sự hiện thực hoá mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình mà không phải tiến hành chiến tranh, là "thượng sách" để giữ nước "từ khi chưa nguy".
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm", do Bộ Công an phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức chiều 1/12, dưới sự chủ trì của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương. Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an - đơn vị Thường trực phục vụ tổ chức hội thảo.
Đem lại lợi ích cho dân, bảo vệ "sức dân, tài dân"
Dưới sự điều hành của các đồng chí chủ trì, tổ chức hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đề cập một cách toàn diện, phong phú, làm sáng tỏ, đầy đủ và sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một phong cách mẫu mực về người làm công tác dân vận, được Người đúc kết thành phương châm ngắn gọn là "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Đây vừa là sự đánh giá cao, vừa là yêu cầu khắt khe về bản lĩnh chính trị, tư duy lý luận, năng lực thực tiễn, đạo đức cách mạng và tinh thần nêu gương của người thực hành dân vận trong một nhà nước dân chủ.
Sinh thời, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phục vụ trước Đảng và quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng", ra oai... Học tập và làm theo tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, phong cách, nâng cao bản lĩnh chính trị và chuyên môn. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe dân nói và biết nói cho dân nghe, thực sự là "người đầy tớ trung thành của nhân dân", đem lại lợi ích cho dân, làm cho nhân dân thực sự tin yêu Đảng, mà trước hết là tin yêu mình...
Theo nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, để xây dựng "thế trận lòng dân", cần khắc cốt ghi tâm phương châm: Trong nước Việt Nam thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Vì "dân là gốc", "dân là chủ", "dân làm chủ". Do đó, cần bảo vệ "quyền dân, sức dân, tài dân" nhằm phát triển toàn diện nhân dân thật sự xứng tầm là một trong các chủ thể bảo vệ quốc phòng và giữ gìn an ninh Tổ quốc: về dân sinh, dân quyền và dân chủ.
Đối với lực lượng CAND, bên cạnh thực hiện nghiêm Sáu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhụê, hiện đại, cần xây dựng và phát triển "thế trận lòng dân" bảo vệ an ninh Tổ quốc - nguồn gốc sức mạnh vô địch của sứ mệnh chống giặc từ bên trong và chủ động giữ nước từ bên trong mà lực lượng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần trọng yếu giữ nước từ bên ngoài cùng QĐND. Từ đó, tạo ra "Lòng dân cố kết - Thế nước vững bền - Dân tộc phồn vinh - Quốc gia bất diệt"...
Tạo "thế trận lòng dân" liên hoàn bên trong, bên ngoài, trên không gian mạng
Đồng chí Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, phát triển, hội nhập và bảo vệ đất nước. Đến nay, kiều bào đã có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và góp vốn vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Lượng kiều hối gửi về trong nước liên tục tăng hàng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19...
Để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng chí cho rằng, cần phát huy hơn nữa nguồn lực trí thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào quá trình hội nhập quốc tế. Tập trung khai thác thế mạnh của trí thức, chuyên gia đầu ngành người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó, quan tâm hơn nữa tới nhóm kiều bào trẻ thông qua vai trò làm cầu nối giới thiệu hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Phát huy vai trò nòng cốt của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, những cá nhân có uy tín ảnh hưởng trong cộng đồng nhằm tập hợp, vận động cộng đồng hướng về quê hương...
Với tham luận "Phối hợp giữa CAND và QĐND trong xây dựng "thế trận lòng dân" gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc", Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, từ khi ra đời đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, CAND và QĐND luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, thể hiện mối quan hệ gắn bó máu thịt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.
Để tăng cường sức mạnh đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa trong công tác này, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh việc phối hợp thực hiện hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo "thế trận lòng dân" liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc...
Bên cạnh đó, nhiều tham luận bổ sung vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn sâu sắc, như tham luận của Thiếu tướng, PGS.TS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Bá Dương, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn; Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng; PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I; Đại tá Trần Sơn Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre.
Tăng cường vai trò tiên phong của QĐND, CAND xây dựng "thế trận lòng dân" ở mọi vùng, miền
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hội thảo đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành đối với việc kế thừa, giữ vững lòng dân, "thế trận lòng dân" từ lịch sử dân tộc, từ đó, xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; làm rõ vai trò, vị trí của nhân dân, sức mạnh của lòng dân, "thế trận lòng dân" trong quá trình dựng nước và giữ nước; khẳng định những đóng góp của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong bảo vệ Tổ quốc nói riêng; việc xây dựng, phát huy "thế trận lòng dân" của các lực lượng Công an, Quân đội, các đơn vị, địa phương trên từng lĩnh vực công tác thực tiễn.
Các báo cáo khoa học cũng đã tập trung phân tích những yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến việc giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; khẳng định những kết quả đạt được, làm rõ những hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm từ lịch sử đến hiện tại về "lòng dân", xây dựng và giữ vững "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
"Thế trận lòng dân" được củng cố, tăng cường, tạo ra xung lực mới, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Nhờ có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, sự quán triệt thực hiện sâu sắc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm", "từ xa" được xây dựng, củng cố vững chắc. Đó cũng chính là sự hiện thực hoá mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình mà không phải tiến hành chiến tranh, là "thượng sách" để giữ nước "từ khi chưa nguy" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Thời gian tới, cùng với việc phát huy sức mạnh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm", "từ xa" với các giải pháp cụ thể. Trước hết, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng "thế trận lòng dân", phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, việc tăng cường vai trò nòng cốt, tiên phong của QĐND, CAND để xây dựng "thế trận lòng dân" ở mọi vùng, miền Tổ quốc, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trong đồng bào ở nước ngoài. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng về chủ trương xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng, củng cố chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh theo hướng gần dân, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sau hội thảo này, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện lý luận khoa học về giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân", vận dụng những giải pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới...