Công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng
Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 24/10, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, về khái niệm “Công trình quốc phòng” (Khoản 1, Điều 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng.
Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 1 điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.
Ngoài ra, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định khoản 2 thành 2 điểm như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.
Tán thành bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát ý kiến đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu thêm về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về công trình lưỡng dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để xem xét trong tình trạng chiến tranh có thể chuyển công trình dân sự thành công trình quân sự. Đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi trục lợi khi chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng sang khu quân sự, nhất là khi chuyển mục đích sử dụng đất. Về chế độ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhóm đặc biệt, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu bổ sung, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về “trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa, di tích lịch sử” đồng thời nghiên cứu tiếp thu thêm về các công trình văn hóa và di tích lịch sử có giá trị đặc biệt mà người dân có nhu cầu vào tham quan, học tập.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần bổ sung thêm “các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật” vào Điểm a, Khoản 2, Điều 5 vì các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật, vị trí, vai trò rất quan trọng về mặt chiến thuật quân sự, đã được chứng minh qua thực tiễn.
Đồng tình với việc bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng, song đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị cần chỉnh lý lại khoản 6, Điều 7 cho rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, đã là công trình lưỡng dụng thì trước hết, phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nếu là tài sản của Nhà nước và pháp luật liên quan khác. Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ.
Phân loại công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng
Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để giải thích chi tiết, cụ thể, đồng thời đảm bảo được bố cục hài hòa của dự thảo luật.
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.
Công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng, quân sự; loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.