Công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm giao thông hỗ trợ, tăng cường cho nhau
Xây dựng 2 luật Đường bộ và TTAGT đường bộ là cần thiết, tạo điều kiện cho những người tham gia giao thông thuận lợi, đơn giản dễ tiếp cận; việc áp dụng pháp luật chặt chẽ hơn; ứng dụng CNTT vào sát hạch, kiểm tra tốt hơn.
Chiều 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Sau khi Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật; Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra, các đại biểu đã thảo luận dự án luật này. Theo đó, các đại biểu đều nhất trí phải xây dựng 2 dự án luật là Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ thay thế cho Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện nay.
Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề an toàn giao thông là sự quan tâm lớn của mọi người, ai cũng lo lắng về điều này. “Tai nạn giao thông (TNGT) tuỳ thời điểm có thể tăng, giảm nhưng số người chết, bị thương do TNGT là rất lớn, để lại hậu quả nặng nề, có người bị mất tay chân, bị liệt… Do đó, khi xây dựng luật, chúng ta phải làm thật kỹ, thật chính xác để đáp ứng được mục tiêu giảm TNGT” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, Bộ Công an đã nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa dự án luật rất nghiêm túc, chặt chẽ, hồ sơ, thủ tục đúng quy định pháp luật. Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, quy định tại Điều 6 về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT đường bộ cần phải hoàn thiện, hoàn chỉnh để làm sao công tác tuyên truyền hiệu quả rõ rệt hơn trong thời gian tới.
“Tại sao nước khác người dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định nhưng ở nước ta ý thức người dân chưa cao? Tôi cho rằng phải tuyên truyền phổ biến làm sao để người dân chấp hành cho tốt. Cũng vì nhận thức người dân chưa tốt nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT. Vì vậy, phải tăng cường hiệu quả của nội dung này” – đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh và đề nghị ban soạn thảo làm rõ những điểm mới bổ sung quy định nội dung về cấp đăng ký phương tiện; làm rõ các điểm mới trong dự án luật, nhất là về các biện pháp tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa ùn tắc giao thông; quy định cụ thể hơn về giải quyết TNGT đường bộ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ những điểm mới của Luật TTATGT so với Luật Giao thông đường bộ 2008. “Xây dựng 2 luật là cần thiết, tạo điều kiện cho những người tham gia giao thông thuận lợi, đơn giản, dễ tiếp cận; việc áp dụng pháp luật chặt chẽ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin vào sát hạch, kiểm tra tốt hơn” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, đặc điểm giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp: xe máy, xe đạp, ô tô đi chung một đường, phức tạp cho người điều hành và cả người điều khiển phương tiện; nhiều người không học cũng điều khiển xe máy được nên ý thức, kiến thức về bảo đảm TTATGT rất hạn chế.
“Chính vì vậy, luật phải hướng tới giúp mọi người thay đổi nhận thức, xây dựng văn hoá tham gia giao thông. Không chỉ tuyên truyền mà phải giáo dục trong trường học; phải xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông bền vững, tránh việc các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 được giáo dục rất tốt, nhắc nhở nếu bố mẹ vi phạm nhưng lên cấp 3 tự đi xe đạp điện lại không chấp hành” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, vấn đề cần quan tâm nhất là sự giao thoa giữa 2 luật Đường bộ và TTATGT đường bộ, đề nghị ban soạn thảo 2 luật rà cho kỹ, tránh các nội dung, quy định chồng chéo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng; đề nghị các ủy ban khác của Quốc hội tham gia ý kiến thuộc các lĩnh vực phụ trách; đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần bám sát Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. “Đây là Chỉ thị mới nhất về công tác đảm bảo TTATGT với mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ rất đầy đủ gồm 4 mục tiêu yêu cầu, 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm, phần việc của từng đơn vị trong bảo đảm ATGT.
“Vấn đề cử tri quan tâm là sau khi luật ban hành thì TNGT, ùn tắc giao thông có giảm không. Giải quyết ùn tắc giao thông ở nội đô không chỉ là kỹ thuật mà phải có giải pháp tổng hợp và phải có lộ trình thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT trong thời gian qua. “Các địa phương làm rất tốt xử phạt vi phạm nồng độ cồn, nhất là cấm việc can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông, tôi nghĩ luật hoá việc này cũng có tác dụng lớn. Bây giờ lực lượng Công an xử lý rất nghiêm, lái xe không dám tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. Tôi rất hoan nghênh. Đặc biệt, việc can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông đã giảm rất nhiều, không ai dám xin cho người vi phạm nữa” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Thay mặt ban soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu nêu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, ban soạn thảo hai luật Đường bộ và TTATGT đường bộ sẽ bám vào Chỉ thị 23 của Ban Bí thư để chỉnh sửa dự thảo nhằm đảm bảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng với những nội dung mới nhất, có tính chiến lược lâu dài. Đồng thời, hai ban soạn thảo sẽ tập trung rà soát để tránh trùng dẫm giữa 2 luật; sẽ xem xét lại tính khả thi của 1 số điều khoản trong dự thảo, đặc biệt là những điều cấm như ý kiến các đại biểu nêu. “Quan điểm của chúng tôi là lấy công tác tuyên truyền hỗ trợ công tác xử lý, lấy việc xử lý tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng cũng cho biết thêm, dự thảo luật có quá trình rất dài, từ tháng 10/2020 đến nay, Chính phủ đã có 7 lần họp, 7 tờ trình. “Sau cuộc họp này, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu để có báo cáo tờ trình lần thứ 8 hoàn thiện nhất. Các tờ trình đều chấp hành quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có ý kiến của các thành viên chính phủ, ý kiến của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành chức năng” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định và cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, các cơ quan, đơn vị chức năng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự án luật khó, liên quan đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Do đó, phải chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, tổ chức thẩm tra nghiêm túc, chất lượng hơn để làm cơ sở cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong quá trình thảo luận cho ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban QP & AN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, góp phần hoàn thiện dự án luật với chất lượng cao nhất.
Đề nghị 2 cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ rà soát toàn bộ nội dung để hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn về mặt nội dung. Thường trực Ủy ban QP & AN chủ trì, phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 dự án luật này và có kế hoạch phân công cụ thể các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra theo lĩnh vực phụ trách.