Công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày thực chất, hiệu quả
Ngày 22/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Tư pháp cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL đã có sự chuyển biến tích cực về nội dung PBGDPL theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú. Bám sát các quy định của Luật PBGDPL, nội dung PBGDPL hàng năm luôn được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật…
Năm 2020, 2021, một trong những nội dung trọng tâm là phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên; công ước, điều ước quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…
Hình thức, mô hình PBGDPL phong phú, đa dạng. Toàn quốc đã tổ chức được hơn 9 triệu cuộc PBGDPL trực tiếp, biên soạn và cấp phát miễn phí hơn 511 triệu tài liệu PBGDPL. Nhiều tài liệu phổ thông dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Việc cung cấp thông tin, pháp luật cho người nghèo, các đối tượng tham gia tố tụng và người thân của họ thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được thực hiện và đẩy mạnh thông qua mô hình trung tâm trợ giúp pháp lý.
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật qua mạng Internet, Bộ Tư pháp đã xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Kể từ khi đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2013 đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật đã cập nhật được 119.630 trong đó các cơ quan Trung ương đã cập nhật được 37.653 văn bản, địa phương cập nhật được 83.358 văn bản. Số lượt truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khoảng 30.000 lượt/ngày…
Hình thức PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù phong phú đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng như người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo... Nội dung các chương trình, tài liệu giáo dục pháp luật trong nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cập nhật, chuẩn hóa theo định kỳ hàng năm phù hợp với quy định mới và đáp ứng yêu cầu người học...
Có thể khẳng định, với các kết quả đạt được, Luật PBGDPL đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khuôn khổ pháp lý đưa công tác PBGDPL hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thông qua PBGDPL, người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự học tập tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.