Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Ngày 21/6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030.
Cùng tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
ĐBSCL có vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công. Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước. ĐBSCL đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng.
ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hội nghị tập trung vào những nội dung chính về quy hoạch ĐBSCL; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nguồn lực thực hiện quy hoạch và cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL.
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị được ban hành nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nghị quyết thay đổi về tư duy và nhận thức của các cấp từ trung ương đến địa phương về phát triển vùng nhanh và bền vững, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng và khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, khát vọng vươn lên của cán bộ, nhân dân các địa phương trong vùng.
Nghị quyết đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Nhận thức được tầm quan trọng về việc ban hành Nghị quyết 13, Bộ Kế hoach và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết với mục đích thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng ĐBSCL trong việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó là phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong vùng ĐBSCL và đảm bảo tính khả thi. Mặt khác, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tự vươn lên của các địa phương trong vùng.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư cho biết nội dung chương trình hành động gồm 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một là công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Hai là tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Ba là phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Bốn là phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Năm là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Sáu là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 26 nhiệm vụ, đề án và 7 dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong vùng khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 973, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 26 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của vùng ĐBSCL ưu tiên cao hơn các vùng khác trong cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 178 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% so với giai đoạn 2016-2020 và nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 60 nghìn tỷ đồng (trong đó bao gồm 46 nghìn tỷ đồng khoản hỗ trợ DPO), chiếm 30% tổng ODA cả nước trong giai đoạn 2021-2025, trong khi con số tương ứng giai đoạn 2016-2020 là 7,66%.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 122 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 442 nghìn tỷ đồng.
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau), các tuyến đường quốc lộ, cảng hàng không, các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…
Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển quan tâm (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã cùng các đại biểu tham quan và cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển".
Triển lãm ảnh là hoạt động văn hóa chào mừng hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBSCL, giới thiệu tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất và con người khu vực ĐBSCL, khắc họa những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đồng bào vùng ĐBSCL.