Công bố 7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
Sáng 25/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 7 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng chủ trì buổi họp báo.
Cùng dự buổi họp báo có đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố các lệnh về việc công bố 7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 gồm: Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Nhà ở, Luật Viễn thông, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại diện các bộ, ngành đã trình bày những nội dung cơ bản của các luật được công bố. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã giới thiệu sự cần thiết ban hành Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cùng những nội dung cơ bản của 2 luật.
Theo đó, Luật Căn cước có 7 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. So với Luật Căn cước công dân năm 2014, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước được mở rộng hơn. Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Một số nội dung đáng chú ý của Luật Căn cước gồm: Sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước”… Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Luật cũng đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Đồng thời, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa các thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác, qua đó giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính….Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có 5 chương, 33 điều. Luật gồm các nội dung cơ bản sau: Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an xã trong công tác bảo đảm đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao. Luật quy định kiện toàn, thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.
Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính bộ đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.