Cơ hội hoàn lương từ chính sách khoan hồng, nhân văn

Thứ Hai, 19/08/2024, 16:42

Những ngày này, các phạm nhân đang thi hành án tại các trại giam vô cùng háo hức bởi chỉ ít thời gian nữa thôi, nhiều người trong số họ sẽ được đặc xá để trở về với gia đình. Đây là chính sách nhân đạo đặc biệt của Nhà nước ta đối với người phạm tội nên họ luôn mong chờ, đón đợi, nhất là những người phạm tội lần đầu, đã khắc phục, bồi thường xong hậu quả.

Nếu được đặc xá, họ có thể được về sớm tới một phần ba, thậm chí một nửa mức án đã tuyên. Đối với họ, 1 ngày được ở ngoài, cũng sẽ có thêm 1 ngày thay đổi, có cơ hội để thực hiện tiếp ước mơ của mình.

1 ä‘ặc xã¡.jpg -0
Cán bộ Công an làm thủ tục đặc xá cho phạm nhân.

Ngày 2/8/2024, tại buổi họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rằng, đặc xá là một trong những chế định pháp lý quy định tại Điều 88 Hiến pháp, được thể chế hoá bằng Luật Đặc xá năm 2018 (trước đây là Luật Đặc xá năm 2007). Từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ta đã tiến hành 9 đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng, xã hội. Kết quả các đợt đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao; tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù.

Nhờ chính sách đặc xá, hàng chục nghìn người đã hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng để làm lại cuộc đời. Phần lớn họ đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Qua theo dõi trong những lần đặc xá gần đây, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp. Lần đặc xá gần đây nhất là năm 2022, tính đến nay chỉ có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,08%. Đây cũng chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất việc ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Sau khi Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá năm 2024 và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn  đặc xá, Bộ Công an đã có Kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo đặc xá năm 2024 của Bộ Công an; các tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng tư vấn đặc xá; đại diện Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; Bộ Ngoại giao; Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Chủ tịch nước và các bộ, ngành chức năng; các cơ sở giam giữ và các nội dung về công tác đặc xá để triển khai thực hiện đảm bảo chính xác, khách quan, toàn diện, công khai và minh bạch. Tại các trại giam, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được niêm yết công khai tại các khu vực giam giữ, lao động của phạm nhân. Đồng thời phổ biến những quy định về công tác đặc xá đến toàn thể phạm nhân để họ tự liên hệ bản thân.

Ngoài việc tuyên truyền, các trại giam đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá để chuyển lên hội đồng xem xét; sau đó các tổ liên ngành sẽ kiểm tra từng trường hợp cụ thể, nếu đủ điều kiện sẽ lập danh sách để trình Chủ tịch nước quyết định, đảm bảo không để lọt những người không đủ điều kiện vào danh sách đề nghị đặc xá và không để sót những người có đủ điều kiện nhưng không được đề nghị đặc xá.

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng,  các cơ sở giam giữ đã tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Yêu cầu phạm nhân cam kết sau khi được đặc xá sẽ trở về nơi cư trú, trình báo với chính quyền địa phương đúng thời hạn quy định. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trở về địa phương sống lương thiện, không tái phạm tội; trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, qua công tác giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.

Biết tin Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá năm 2024, phạm nhân Hoàng Thị Mai (đang thụ án tại Trại giam Phú Sơn 4) và các phạm nhân trong phòng vui lắm. Cứ hết giờ làm việc là chị em phạm nhân lại ra bảng tin để đọc kỹ quy định về điều kiện, đối tượng đặc xá năm 2024 rồi tự liên hệ bản thân. “Tôi đi xe máy không may gây tai nạn chết người, phải chịu mức án 36 tháng tù. Do phạm tội lần đầu, lỗi vô ý, đã thi hành án được 19 tháng, đã bồi thường cho gia đình nạn nhân nên đối chiếu với quy định thì sẽ trong diện được đặc xá. Vì vậy, tôi đã viết đơn đề nghị được đặc xá, sau đó chị em trong phòng bình bầu. Tôi rất hi vọng sẽ được đặc xá lần này bởi gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, các con còn bé, lâu nay phải nhờ bà ngoại chăm sóc, mong mỏi mẹ từng ngày” – chị Mai chia sẻ.

dx5.jpg -6
Các phạm nhân được học tái hoà nhập cộng đồng trước khi được đặc xá.

Là người được đặc xá, nay đã vươn lên làm giàu, chị Vũ Thị Hương ở Đại Từ, Thái Nguyên hiện là chủ trang trại chăn nuôi với gần 100 con trâu và nhiều loại gia súc, gia cầm khác. Chị cho biết, năm 28 tuổi, công việc không ổn định, trình độ nhận thức thấp, lại hám lợi trước mắt nên chị tham gia mua bán trái phép chất ma túy và bị bắt, thi hành án tại Trại giam Phú Sơn 4. Chồng nghiện ma túy cũng vào trại cùng lúc nên hai đứa con chị đành gửi các chị chồng mỗi người nuôi một cháu.

"Lúc mới vào trại, tôi chán nản lắm, nhà 4 người chia bốn ngả, nhà thuộc diện 135 nghèo lắm, gia đình không ai thăm gặp... Rất may được các cán bộ trại giam chỉ bảo, giúp đỡ nên tôi dần chuyển biến về tâm lý” – chị Hương tâm sự. Chị được cán bộ quản giáo tin tưởng giao cho chăn trâu vì "trẻ nhất đội nhưng có nhiều nghị lực" nên luôn phấn đấu hoàn thành năng suất cao, trâu con nào con nấy được chăm béo khỏe. Chị cũng là người đại diện các phạm nhân được đặc xá hứa với cán bộ, với hàng nghìn phạm nhân, về địa phương sẽ trở thành công dân có ích.

Nhờ kỹ thuật chăn nuôi học được trong trại giam, hiện mô hình nuôi trâu của chị mang lại lợi nhuận 300-400 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu chính đáng mà chị Hương còn giúp đỡ nhiều người cùng hoàn cảnh. Trang trại chăn nuôi trâu của chị luôn có 3-5 nhân công làm việc liên tục và khoảng 10 nhân công làm theo giờ, trong đó có người dân tộc thiểu số, người không biết chữ, người phạm tội trở về. Đặc biệt, mô hình khởi nghiệp chăn nuôi trâu sạch thương phẩm của chị đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP năm 2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.

Cơ hội hoàn lương từ chính sách khoan hồng, nhân văn -0
Niềm vui đoàn tụ gia đình của người được đặc xá.

Được biết, cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong các cơ sở giam giữ, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các địa phương tạo điều kiện cao nhất cho người được đặc xá, tha tù làm lại cuộc đời. Theo đó, lực lượng Công an làm nòng cốt phối hợp các địa phương tổ chức, duy trì hoạt động các mô hình tái hoà nhập cộng đồng, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; triển khai nghiêm túc Quyết định số 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tính đến nay, Công an các địa phương đã phối hợp rà soát, tạo điều kiện cho hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.

Từng chứng kiến hàng nghìn người đã được hưởng niềm vui đặc xá, được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, tôi hiểu rằng, những phạm nhân được đặc xá sau một thời lầm đường, lạc lối, phải trả giá cho những hành động vi phạm pháp luật, họ đã biết vươn lên làm lại cuộc đời khi được Nhà nước trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với tư cách của một công dân. Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua.

Phương Thủy
.
.
.