Cơ chế đặc thù nào phát triển TP Buôn Ma Thuột?
Gợi ý nội dung để nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên chăng thí điểm chính sách gì để phát triển chuỗi cà phê ở TP Buôn Ma Thuột, đề xuất ưu đãi để duy trì và phát triển di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên?
Sáng 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk.
Áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.
Đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại TP Buôn Ma Thuột.
"HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại TP Buôn Ma Thuột", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Qua thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) thống nhất việc tạo cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP Buôn Ma Thuột là cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mức độ ưu đãi như dự thảo nghị quyết là hợp lý, chỉ miễn thuế trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại TP Buôn Ma Thuột.
Cần ưu tiên cao nhất thu hút đầu tư
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, ngoài các cơ chế, chính sách đặc thù, cần nhiều cơ chế khác nữa cho tỉnh phát triển, nhất là các lĩnh vực y tế, văn hoá, giao thông… "Muốn trở thành trung tâm của vùng thì y tế, văn hoá, giáo dục phải vượt trội", Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị vừa thí điểm, vừa tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm việc đầu tư nguồn lực và các chính sách khác có liên quan.
Thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra khi lần đầu tiên xin Quốc hội cơ chế đặc thù cho một thành phố trực thuộc tỉnh, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng băn khoăn chính sách dự thảo nêu là "hẻo quá", trong khi Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên, đô thị miền núi có dân số đông nhất...
Gợi ý một vài nội dung để nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của cả nước, Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên. Cà phê Buôn Mê nổi tiếng, 2 năm có lễ hội cà phê một lần, nhưng chế biến sâu còn hạn chế, phần lớn xuất thô hoặc chế biến sơ bộ rồi xuất khẩu. Khâu chế biến, phân phối chênh lệch giá trị bên ngoài người ta hưởng hết. Từ xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu, nghiên cứu sâu hơn về giống cây cà phê, vấn đề tái canh cây cà phê...
"Nên chăng thí điểm chính sách gì đó cho phát triển chuỗi cà phê ở TP Buôn Ma Thuột? Từ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tổ chức lễ hội, vấn đề tái canh? Một đề án thí điểm của Quốc hội ưu đãi cao nhất cho Buôn Ma Thuột về lĩnh vực này?" - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và cho rằng, về nông sản chủ lực chúng ta có thể tham gia tích cực, tạo ra chuỗi giá trị, do đó cần ưu tiên cao nhất thu hút đầu tư thì sẽ rất thiết thực.
Về lĩnh vực văn hoá, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc ở Buôn Ma Thuột, là di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO công nhận. "Đây là bản sắc của Buôn Ma Thuột nói riêng nhưng có tính chất của cả vùng Tây Nguyên. Phải nghĩ được ưu đãi, đề xuất ưu tiên cái gì để duy trì và phát triển mạnh di sản này. Đừng nghĩ cao siêu quá mà phải thiết thực, cụ thể", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng có 1 điều giao cho Chính phủ ban hành những chính sách ưu tiên trong thẩm quyền của Chính phủ; ví dụ TP Vinh có một quyết định của Thủ tướng, đi vào những vấn đề rất cụ thể...
Tại phiên họp, 100% thành viên UBTVQH cũng đã biểu quyết thông qua việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH cũng đã bế mạc sáng cùng ngày.